Mỗi người hãy là một vị Phật đản sanh
Hơn 2600 năm trước, tại miền đông bắc Ấn Độ (nay thuộc Nepal), Đức Phật đã được sinh ra như tất cả chúng ta. Hồi đó vì là con vua Tịnh Phạn nên người ta gọi Ngài là Thái tử Tất Đạt Đa. Sau này với sự trải nghiệm qua pháp tu hành với tâm cầu đạo giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, nên Ngài đã trở thành đấng giác ngộ đầu tiên trên hành tinh này. Người đời vì nhớ ơn Ngài nên tôn xưng và tán dương Ngài với đầy đủ mười danh hiệu:”Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự, Trượng Phu Thiên Nhân, Phật, Thế Tôn”!
Đức Phật đã dành cả cuộc đời với sắc thân ngũ uẩn có được ấy, chính Ngài đã dựng lại những gì cần phải dựng lại. Ví dụ như Pháp Duyên Khởi Ngài đã chỉ rõ cho hàng hậu học chúng ta biết rõ nguyên lý của nó là: “ Cái này có, cái kia có. Cái này không, cái kia không; Cái này sinh, cái kia sinh. Cái này diệt, cái kia diệt. Trong đó Ngài lại còn chỉ ra ra bốn loại Duyên Khởi để chúng ta được hiểu rõ về bản chất của sự sống nhân sinh quan và vũ trụ quan qua bốn triết lý về Nghiệp Cảm Duyên Khởi, Alaya Duyên khởi, Chân Như Duyên Khởi và Pháp Giới Duyên Khởi.
Đức Phật đã khai sáng con đường giải thoát, giác ngộ cho nhân loại bằng tám con đường Thánh vi diệu, gọi tắt là Bát Chính Đạo. Tám lộ trình đó bắt đầu từ Chính Kiến, Chính Tư Duy, Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mạng, Chính Tinh Tấn, Chính Định và Chính Tuệ.
Đức Phật đã và là người đầu tiên tìm ra bốn Chân Lý Thánh với tên gọi Tứ Diệu Đế. Bốn chân lý hay còn gọi là bốn sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, trạng thái sau khi khổ đã diệt và con đường diệt khổ.
Với tuệ tri của đấng giác ngộ, Ngài biết rất rõ về nỗi khổ của kiếp người. Nguyên nhân chính vì vô minh nên cứ trôi lăn mãi trong biển sinh tử luân hồi, trầm luân này. Chuỗi trôi lăn ấy, Ngài gọi nó là vòng tròn sinh hoá, không có điểm khởi đầu và cũng chẳng có điểm kết thúc. Chỉ biết rằng mỗi một sinh vật được sinh ra đều do năng lượng được huân tập từ vô thỷ kiếp quá khứ mà tạo thành. Năng lượng đó gọi chung là nghiệp. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp không thiện, không ác. Tất cả đều do vô minh tạo thành!
Vô minh cũng từ duyên mà sinh ra. Duyên đó được tạo ra khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần khởi phát sáu thức. Thức là cái biến tướng, phân biệt sai khác với mỗi sự vật hiện tượng hay còn gọi là pháp. Đã có sự can thiệp của thức, tức thì mỗi pháp sẽ không còn như chính nó là nữa. Bởi mọi sự vật hiện tượng đều không có tự tính. Nhưng qua sự phân biệt của thức thì nó cứ mặc nhiên mặc định dán nhãn đặt tên cho tất cả pháp.
Vì vô minh nên có duyên hành. Vì có hành nên có duyên thức. Vì có thức nên có duyên danh sắc. Vì có danh sắc nên có duyên lục nhập. Vì có lục nhập nên có duyên xúc. Vì có duyên xúc nên có duyên thọ. Vì có thọ nên có duyên ái. Vì có ái nên có duyên thủ. Vì có thủ nên có duyên hữu. Vì có hữu nên có duyên sinh. Vì có sinh nên có duyên già, bệnh và chết. Đó là tiến trình sinh tử thông thường của con người mà Đức Phật nhắc tới nhiều nhất qua mẫu thức thập nhị nhân duyên vậy.
Bài Kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên trên con đường hoằng pháp lợi sinh của Đấng giác ngộ Gomata. Ngài đã trao truyền thông điệp cho chúng ta hãy tránh xa hai cực đoan khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc. Đó cũng là tránh xa hai sự chấp ngã về thường kiến và đoạn kiến. Đó cũng là tránh xa hai sự truy tìm quá khứ và vọng tưởng tương lai. Đó cũng là sự phân biệt giai cấp… Ngài đang nhắc nhở chúng ta hãy nên sống với thực tại, không đắm chìm trong dục lạc cũng như đau khổ. Sống bình đẳng không phân biệt giai cấp, kỳ thị chủng tộc, màu da. Đó cũng là thông điệp hoà bình cho nhân loại trong mọi thời đại!
Bài Kinh Di Giáo cuối cùng trong cuộc đời hoằng pháp của Ngài cũng vậy. Ngài đã khuyến tấn bốn hàng đệ tử của Ngài bằng cách tự nỗ lực học hỏi, nỗ lực trải nghiệm và nỗ lực hành trì nghiêm mật để đạt được sự giải thoát giác ngộ như Ngài ngay trong đời sống hiện tại chứ không phải ở một kiếp sống nào khác, thế giới nào khác. Hãy nương tựa vào chính mình chứ đừng nên nương tựa vào bất kỳ một ai khác!
Ngài sinh ra ở đời là một con người bình thường. Nhưng pháp hành của Ngài là của một con người phi thường, một bậc vĩ nhân của các bậc vĩ nhân. Ngài đã thương tưởng đến mọi loài chúng sinh như vậy, hà cớ gì chúng ta lại không thành kính tri ân và nguyện đời đời kiếp kiếp báo ân Ngài bằng cách sống đời tri kiến giải thoát!
Nhân ngày lễ Vesak này, hàng hậu học chúng con xin kính cẩn cúi đầu thành tâm hướng về đảnh lễ Đức Thế Tôn Bậc Ưng Cúng Chánh Biến Tri!
Kính mời quý Phật tử nghe bài pháp thoại Mỗi người hãy là một vị Phật đản sanh do thầy Thích Phước Tiến thuyết giảng nhân Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2644 -- PL 2564 tại Tu Viện Tường Vân, ngày 06-05-2020 (14-04-Canh Tý)
source https://www.niemphat.vn/moi-nguoi-hay-la-mot-vi-phat-dan-sanh/
Nhận xét
Đăng nhận xét