Các ngày lễ Phật giáo trong năm

Trong quá trình phát triển, tuy Phật giáo được phân chia thành nhiều hệ phái và tông phái khác nhau, nhưng những ngày lễ Phật giáo quan trọng vẫn được duy trì, được tổ chức trọng thể trong từng quốc gia theo đạo Phật, đặc biệt là một số quốc gia xem Phật giáo là quốc giáo.

Trước đây, những quốc gia theo Phật giáo đều tổ chức lễ Phật đản vào ngày rằm tháng tư âm lịch. Trước năm 1963, ở Việt Nam, Phật giáo Bắc tông tổ chức lễ Phật đản kéo dài từ mồng 8 tháng 4 đến rằm tháng 4. Từ sau năm 1975, ngày lễ Phật đản ở Việt Nam được chính thức tổ chức vào ngày rằm tháng tư, cũng là ngày mở đầu cho mùa an cư kiết hạ của các tăng ni theo Phật giáo Bắc tông.

Theo kinh điển của Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật đản sinh, thành đạo và niết bàn đều diễn ra vào ngày trăng tròn. Ngoài đại lễ mừng Phật đản sinh, trong năm từng hệ phái còn có ngày đại lễ riêng.
Đối với Phật giáo Nam tông, lễ hội rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng sáu, rằm tháng bảy và rằm tháng chín có ý nghĩa lớn. Lễ hội rằm tháng giêng có hai ý nghĩa chính: Đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma vương ba tháng nữa sẽ nhập niết bàn, là ngày đại hội thánh tăng tại Trúc Lâm tịnh xá (Ấn Độ) Phật thuyết pháp cho 1.250 vị tỳ kheo.

Lễ hội rằm tháng tư của Phật giáo Nam tông kỷ niệm ngày Phật đản sinh. Đây là ngày trọng đại của Phật giáo trên thế giới và của Phật giáo Nam tông, kỷ niệm một lúc ba sự kiện Bồ tát đản sinh, Bồ tát thành đạo và Phật nhập niết bàn.

Lễ hội rằm tháng sáu là ngày Phật giáo Nam tông mở đầu mùa an cư kiết hạ, đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp đạo pháp của Đức Phật.

Lễ hội rằm tháng bảy là ngày Phật giáo Nam tông tổ chức lễ Vu lan báo hiếu nhưng theo nghi thức của Nam tông.

Lễ hội rằm tháng chín đối với Phật giáo Nam tông là ngày mãn mùa an cư kiết hạ, là khởi điểm mùa dâng y Kathina trong vòng một tháng, từ 16.9 đến 15.10 âm lịch. Ngày này, Phật tử chuẩn bị vật phẩm cúng dường cho chư tăng. Tăng sĩ vui mừng vì ngày này đánh dấu thêm một tuổi đạo. Trong ngày này, tăng sĩ cũng nói rõ những sai lầm, khuyết điểm của mình, trước sự chứng minh của chư tăng để sám hối. Đây là hình thức sinh hoạt tốt đẹp, thể hiện tinh thần tập thể góp ý, phê bình. Cá nhân tiếp thu ý kiến và sửa đổi, không tái phạm.

Phật giáo Bắc tông tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu vào rằm tháng bảy. Đây cũng là ngày kết thúc mùa an cư kiết hạ. Ngoài những ngày lễ có liên quan đến các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như lễ Phật đản, lễ Thích Ca thành đạo, Lễ Thích Ca nhập niết bàn, Phật giáo Bắc tông còn có những ngày Vía lớn dành cho các vị bồ tát như vía Đức Di Lặc đản sinh (1.1 âm lịch), Vía Đức Thích Ca xuất gia (8.2 âm lịch), Vía Đức Thích Ca nhập diệt (15.2 âm lịch), Vía bồ tát Quan Âm (19.2, 19.6, 19.9 âm lịch), Vía bồ tát Phổ Hiền (21.2 âm lịch), Vía bồ tát Chuẩn Đề (16.3 âm lịch), Vía bồ tát Văn Thù (4.4 âm lịch), Vía bồ tát Đại Thế Chí (13.7 âm lịch), Vía bồ tát Địa Tạng (30.7 âm lịch), Vía Phật Dược Sư (30.9 âm lịch), Vía Phật A Di Đà (17.11 âm lịch), Vía Đức Thích Ca thành đạo (8.12 âm lịch)…

Lễ nghi của Phật giáo Bắc tông và Nam tông cũng có sự khác biệt.

Phật giáo Nam tông có chín nghi thức hành lễ riêng biệt quan trọng như: nghi thức Quy y và thọ giới, nghi thức thờ Phật, nghi thức tụng kinh, nghi thức sám hối, nghi thức trai tăng, nghi thức thuyết pháp, nghi thức hành thiền, nghi thức khất thực, nghi thức hôn nhân.

Lễ nghi của Phật giáo Bắc tông có khác biệt, do không chủ trương đi khất thực và trong thờ phụng, do có quan niệm, ngoài thờ Phật còn có các vị bồ tát, các thần linh cần được sự hỗ trợ, nên nghi lễ trong Phật giáo Bắc tông có lễ cúng dành cho các vị bồ tát, cho những oan hồn uổng tử, không có thân nhân cúng bái. Mỗi chiều từ 16 giờ đến 17 giờ mỗi chùa theo hệ phái Bắc tông đều có buổi lễ cúng Môn Sơn thí thực dành cho cho những người này. Trong chùa còn có các nghi lễ như lễ Chúc tán (ca ngợi Phật và các bồ tát), lễ Bố tát (đọc giới luật cho những người thọ giới nghe), lễ Tự tứ (kiểm điểm trước tăng chúng)…

Nhìn chung, những ngày lễ lớn và những nghi lễ chính của Phật giáo là những sinh hoạt Phật giáo mang tính chung nhất trên thế giới, tuy có một ít khác biệt theo hệ phái Bắc tông và Nam tông, đã tồn tại hàng ngàn năm nay, tạo cho Phật giáo một sức sống bền bỉ, vững chắc.

ngày lễ Phật giáo trong năm

Tổng hợp các ngày lễ Phật giáo trong năm theo Âm Lịch

Các ngày lễ Phật giáo tháng 1 âm lịch

  • 01/01 Vía Di Lặc
  • 15/01 Lễ Thượng Nguyên

Các ngày lễ Phật giáo tháng 2 âm lịch

  • 08/02 Phật Thích Ca Xuất Gia
  • 15/02 Phật Thích Ca nhập Niết Bàn
  • 19/02 Quan Thế Âm Giáng Sanh
  • 21/02 Phổ Hiền Giáng Sanh

Các ngày lễ Phật giáo tháng 3 âm lịch

  • 06/03 Ca Diếp Tôn Giả
  • 16/03 Phật Mẫu Chuẫn Đề

Các ngày lễ Phật giáo tháng 4 âm lịch

  • 04/04 Văn Thù Bồ Tát
  • 08/04 Phật Thích Ca Giáng Sanh (thống nhất lại ngày 15)
  • 20/04 Vía Bồ Tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân
  • 23/04 Phổ Hiền Thành Đạo
  • 28/04 Dược Sư Giáng Sanh

Các ngày lễ Phật giáo tháng 5 âm lịch

  • 13/05 Vía Gìa Lam Thánh Chúng

Các ngày lễ Phật giáo tháng 6 âm lịch

  • 03/06 Vía Hộ Pháp
  • 19/06 Vía Quan Thế Âm Thành Đạo

Các ngày lễ Phật giáo tháng 7 âm lịch

  • 13/07 Vía Đại Thế Chí
  • 15/07 Vu Lan Bồn (Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát)
  • 30/07 Vía Địa Tạng Bồ Tát

Các ngày lễ Phật giáo tháng 8 âm lịch

  • 06/08 Huệ Viễn Tổ Sư Sơ Tổ Tịnh Độ Tông
  • 08/08 Tôn Giả A Nan Đà

Các ngày lễ Phật giáo tháng 9 âm lịch

  • 19/09 Vía Quan Thế Âm Xuất Gia
  • 29/09 Vía Dược Sư Thành Đạo

Các ngày lễ Phật giáo tháng 10 âm lịch

  • 05/10 Vía Đạt Ma Tổ Sư
  • 08/10 Ngày Phóng Sanh
  • 15/10 Lễ Hạ Nguyên

Các ngày lễ Phật giáo tháng 11 âm lịch

  • 17/11 Vía Phật A Di Đà

Các ngày lễ Phật giáo tháng 12 âm lịch

  • 08/12 Phật Thích Ca Thành Đạo

Vào những ngày Lễ Vía trên quý Phật tử nên ăn chay ,cúng dường, cầu nguyện để kết duyên lành với Phật Pháp

Xem thêm: Cấp bậc trong Phật giáo



source https://www.niemphat.vn/ngay-le-phat-giao/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sự lợi ích và phước báu của sự thành thật

Phật giáo không mang tính áp đặt và đe dọa