Nghĩ về luật nhân quả dưới lăng kính y học
Bài viết Nghĩ về luật nhân quả dưới lăng kính y học trong mùa dịch bệnh Covid-19 của TS.BS. Lê Thanh Hải
Hơn 1 năm qua, nhân loại đang hứng chịu đại dịch COVID-19 khủng khiếp. Nước Việt Nam, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh cũng đang chìm trong đại dịch với số ca nhiễm tăng cao chưa từng có; cuộc sống của người dân trên toàn cầu bị đảo lộn chưa từng thấy; khủng hoảng kinh tế xã hội, sức khỏe là hiện hữu và chưa lường hết hậu quả thảm khốc về sau. Cuộc sống của từng người chịu sự thay đổi một cách sâu sắc: sống chậm lại thay vì sống vội vàng như trước; nhu cầu và thụ hưởng cá nhân trở nên đơn giản hơn, dễ chấp nhận hơn, vị tha hơn…
Trong khủng hoảng mùa dịch, ai cũng chăm lo sức khỏe và hệ miễn dịch của mình hơn. Trước đây chúng ta thường xem nhẹ những khuyến cáo về sức khỏe; mà lao vào cố gắng sỡ hữu nhà cửa và ô tô bằng mọi giá; cứ theo đuổi và thể hiện đẳng cấp qua các mối quan hệ với “người sang”; các buổi vui chơi, tiệc tùng linh đình, hoang phí, thừa mứa thực phẩm và bia rượu, các thú hoang dã quý hiếm trên bàn tiệc…; xem thường và tàn phá môi trường thiên nhiên, bê – tông hóa… gây ra hiệu ứng nhà kính; cứ cố gắng tậu thật nhiều sản phẩm công nghệ như là “chiến tích” cho bằng bạn bằng bè, cứ nằm ì ra trên một chiếc giường và điều khiển cả thế gian này qua các thiết bị thông minh…
Những ngày cách ly xã hội, nhiều thời gian ở nhà, đôi khi chúng ta cũng nghĩ về quá khứ; suy nghĩ và tự vấn mình về các mối quan hệ; về hành vi và công việc hàng ngày; về cái gọi là “tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục”… Có gì đó làm chúng ta giật mình suy nghĩ về vai trò con người trong đại dịch COVID-19, về sự coi thường sức khỏe của mỗi một chúng ta như là “gieo Nhân” và tự chuốc lấy “hái Quả” trong thế giới ồn ào xô bồ này. Phải chăng dịch giã cũng là do chúng ta góp phần gây nên? Phải chăng đây là hiện hữu của “Luật Nhân Quả” mà con người phải gánh lấy một phần trách nhiệm?
Vào mùa Phật Đản, nghĩ đến “Luật Nhân Quả” trong Phật giáo. Luật Nhân Quả cho chúng ta những bài học để nhanh chóng “điều chỉnh tích cực” sức khỏe, hành vi lối sống trước khi quá muộn. Bài viết không có tham vọng đi sâu vào giải thích tính chính xác, triết lý của “Luật Nhân Quả” siêu nhiên, mà chỉ tập trung giải thích nó dưới lăng kính y học ở nhiều góc độ khác nhau trong cuộc sống, qua một số bằng chứng nghiên cứu khá thuyết phục.
Luật Nhân Quả hay Luật Nghiệp Báo xuất phát từ Phật giáo. Nghiệp là Nhân và Báo là Quả. Nghiệp và Quả Báo tạo thành Luật Nhân Quả. Nếu tạo Nhân hay Nghiệp tốt thì sẽ trổ Quả tốt, còn ngược lại nếu gieo Nhân xấu thì sớm hay muộn gì cũng nhận Quả xấu. Luật Nhân Quả như một vòng tròn lặp lại không bao giờ chấm dứt, vì chúng ta cứ tạo Nhân rồi trả Quả. Trong việc trả Quả lại tiếp tục tạo Nhân mới và Nhân Quả cứ như thế mà thành vòng luân hồi.
Trong cuộc sống, nếu hành động và lời nói ác (Nhân ác), cuối cùng sẽ phải hứng lấy Quả khổ đau tai ương. Ngược lại, nếu hành động và lời nói thiện nghĩa (Nhân thiện), sẽ mang đến Quả an lành hạnh phúc. Triết lý này có vai trò tích cực trong quá trình giáo dục, hình thành nhân cách của mỗi người. Hãy tự kiềm chế lời nói và hành động của mình tránh làm phương hại đến người khác, giúp người người hướng thiện, tạo nên một xã hội hướng thiện và giàu lòng nhân ái.
1. Khi giữ một mối thù trong lòng tức là đang gieo Nhân xấu, bạn sẽ gánh lấy Quả xấu “bệnh cho tim và suy yếu hệ miễn dịch”.
Giận dữ, thù hận, ganh tỵ là một cảm xúc khó có thể loại bỏ ngay, đặc biệt nếu bạn tìm thấy tính hợp lý để bao biện cho sự phẫn nộ của mình. Tuy nhiên, sự giận dữ, thù hận làm tăng nồng độ cortisol trong máu, tác động tiêu cực đến tim, sự trao đổi chất và hệ thống miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ cortisol cao có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn. Không giữ oán hận và hờn trách trong lòng khiến bạn có tâm trạng tốt hơn và dung nạp nhiều năng lượng tích cực hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tử vong của những người mang tâm ác cao hơn người bình thường từ 1,5 – 2 lần. Khi bạn giữ thiện niệm và suy nghĩ tích cực, cơ thể sẽ tiết ra endorphin giúp tế bào được khỏe mạnh, tức tạo “Nghiệp lành” sẽ hưởng “Phước lành”. Endorphin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng và giảm đau…, hoạt động của các tế bào miễn dịch tốt hơn, vì vậy bạn sẽ ít ốm đau, bệnh tật.
2. Khi còn trẻ, gieo Nhân ác (hại người bằng lời nói và hành động, phạm tội, giết người, cướp của…), về sau sẽ nhận gánh Quả xấu (sức khỏe xuống dốc, bệnh tật, tâm thần…). Đúng là bằng chứng khoa học cho Luật Nhân Quả.
Đại học Gaddafi, Anh Quốc và Đại học Texas, Hoa Kỳ đã cùng thực hiện một nghiên cứu và chứng minh được rằng “Luật Nhân Quả” là hoàn toàn có căn cứ khoa học. Thống kê cho thấy, những tội phạm tuổi thiếu niên thường có cơ thể khỏe mạnh hơn những thiếu niên biết tuân thủ pháp luật ở cùng độ tuổi. Nhưng khi thiếu niên có tiền sử phạm tội bước vào tuổi trung niên thì sức khỏe lại xuống dốc nhanh chóng, nguy cơ nằm viện và bị bệnh tật cao hơn nhiều lần so với người bình thường cùng trang lứa. Đó là do thiếu niên có tiền sử phạm tội thường có thói quen sinh hoạt không lành mạnh (hút thuốc lá, nghiện bia rượu và ma túy…) và trạng thái tâm lý tiêu cực (hung dữ, gây bạo hành…), gây nguy cơ cao bệnh tật và rối loạn tâm thần về sau.
Một nghiên cứu khác tại Đại học Brigham Young, Hoa Kỳ trên 4.983 thanh thiếu niên cho thấy, những thanh thiếu niên tham gia vào các hoạt động đức tin, thiện nguyện ít có khả năng tham gia vào việc lạm dụng chất gây nghiện hoặc ít có bạn bè liên quan nghiện ngập, tức là gieo “Nghiệp lành” sẽ hưởng “Phước lành”.
3. Khi chọn lối sống khép kín, cô lập với cộng đồng, sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, mất trí nhớ và tử vong. Đó cũng là minh chứng khoa học cho Luật Nhân Quả.
Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã kiểm tra 23 nghiên cứu liên quan đến 181.000 người lớn. Trong nhóm này, 4.628 trường hợp có biến cố liên quan tim mạch như cơn đau tim, cơn đau thắt ngực, hoặc thậm chí tử vong, và khoảng 3.000 trường hợp đột quỵ. Các dữ liệu cho thấy sự cô đơn, sống khép kín với xã hội, hoặc cả hai làm tăng 29% nguy cơ bị cơn đau tim và 32% nguy cơ đột quỵ. Theo Tiến sĩ Nicole Valtorta của Đại học York, Vương quốc Anh: “Sự cô đơn có liên quan với hệ thống miễn dịch yếu hơn và huyết áp cao”. Những người cô đơn hay có khuynh hướng tìm đến thuốc lá và bia rượu – một cách giải tỏa ức chế và căng thẳng, nhất là ở nam giới.
Nghiên cứu tiến hành tại Hoa Kỳ trên 12.000 người (từ 50 tuổi trở lên cùng với vợ hoặc chồng), kéo dài trong khoảng 10 năm. Những người tham gia báo cáo sự cô đơn và cũng đã được đánh giá khả năng nhận thức mỗi 2 năm một lần cho đến 10 năm. Kết luận, những người trải qua sự cô đơn có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 40%. Người sống chan hòa, vui vẻ và có nhiều mối quan hệ xã hội tích cực sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, tức là gieo “Nghiệp lành” sẽ hưởng “Phước lành”.
4. Khi chọn một lối sống không lành mạnh, như ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu…, sẽ gánh chịu hậu quả tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh và tử vong. Đó cũng là minh chứng khoa học cho Luật Nhân Quả.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí The Lancet, kiểm tra thói quen hoạt động của hơn 416.000 đàn ông và phụ nữ ở Đài Loan, nhận thấy chỉ cần 15 phút tập luyện cường độ vừa phải mỗi ngày đã giúp tăng 3 năm tuổi thọ, và 4 năm với những người tập luyện cường độ vừa phải 30 phút mỗi ngày. Theo Bộ Y tế Hoa Kỳ (NIH), hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất có thể phòng tránh được. Cơ thể sẽ hồi phục đáng ngạc nhiên, huyết áp và lưu thông máu được cải thiện ngay sau khi cai thuốc, và nguy cơ bị ung thư giảm sau mỗi năm. Đúng là gieo “Nghiệp lành” sẽ hưởng “Phước lành”.
Mặt khác, các thành viên gia đình cũng không phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Tức là bạn không tạo ra “cộng Nghiệp” hay “Nghiệp chung” khiến cả gia đình cùng gánh chịu.
Xem thêm:
- Tư duy lời Phật dạy nhân mùa dịch
- Quán sâu nghiệp duyên của chúng sinh thời Covid-19
- Khi nào bệnh dịch được đẩy lùi?
- Đại dịch Covid 19 gợi nhớ nạn đói thời Đức Phật
- Bài học nghiêm khắc từ Covid-19
- Giãn cách xã hội, thời gian vàng cho mình
- Mật pháp đi qua đại dịch
- Làm gì để hết lo âu?
Tóm lại, hiểu biết “Luật Nhân Quả” đứng về góc độ y học là rất cần thiết, giúp chúng ta tự nhận biết được Quả xấu mà mình sẽ phải gánhchịu, nếu tạo ra Nghiệp xấu hay Nhân xấu do thiếu kiểm soát trong suy nghĩ, hành động và lối sống không lành mạnh với sức khỏe. Hơn nữa, Quả xấu chính chúng ta gánh chịu còn làm liên đới cho gia đình, con cháu trong khái niệm “cộng Nghiệp” hay “Nghiệp chung”. Tốt nhất, nên gieo “Nghiệp lành” cho thể chất và tinh thần, bạn sẽ hưởng “Phước lành” mạnh khỏe và an nhiên. Cuối cùng, đích đến của mỗi chúng ta là hạnh phúc và an lành.
TS.BS. Lê Thanh Hải (SKVĐS)
source https://www.niemphat.vn/nghi-ve-luat-nhan-qua-duoi-lang-kinh-y-hoc/
Nhận xét
Đăng nhận xét