Cách giữ chánh niệm khi lâm chung

Tâm thức chánh niệm hay tán loạn của con người khi lâm chung là yếu tố quyết định cho sự vãng sanh Tịnh độ hay đọa lạc về các cảnh giới khổ đau. Muốn đạt được tâm chánh niệm đó, người Phật tử khi còn sống phải chuẩn bị đầy đủ các duyên như thế nào, đồng thời khi sắp lâm chung phải giữ tâm kiên định vãng sanh ra sao? Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, chúng ta cần phải biết để chuẩn bị sẵn, bởi vì những sự chuẩn bị này sẽ có tác dụng rất lớn, thay đổi cả một cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc của một đời người. Vậy chúng ta làm sao để giữ chánh niệm khi lâm chung?

Xem thêm: Thần thức của người lâm chung

giữ chánh niệm lúc lâm chung
Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về Tịnh độ, thì điểm cần yếu là đừng sợ chết

Thường tu phước, đoạn các điều ác. Không nên hưởng phước, chờ đến lúc lâm chung mới hưởng. Phước ấy là tâm không điên đảo, chánh niệm hiện tiền. Đó là phước báo của người lúc lâm chung.

Mỗi đêm lên giường trước khi ngủ nên nghĩ tưởng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn mình. Chớ nên tham sống sợ chết.

Thiện Đạo đại sư (tổ thứ 2 của Liên Tông và cũng là hóa thân của Phật A Di Đà) từng dạy phương pháp giữ vững chánh niệm trong lúc lâm chung như sau:

Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về Tịnh độ, thì điểm cần yếu là đừng sợ chết. Phải thường nghĩ thân này nhơ nhớp, biết bao điều khổ lụy trói vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực Lạc thọ thân kim cương thanh tịnh, sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô lượng sự an vui. Ví như bỏ chiếc áo cũ rách đổi lấy đồ trân phục, còn điều chi đáng thích ý bằng! Nghĩ như thế, buông hẳn thân tâm không còn lo buồn tham luyến. Lúc vừa có bịnh, liền tưởng đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, cùng bàn việc hay dở trong nhà. Nếu có ai đến thăm, chỉ khuyên nên vì mình niệm Phật, đừng hỏi thăm chi khác. Cũng không nên dùng lời dịu dàng an ủi, chúc cho sớm được lành vui, vì đó chỉ là chuyện bông lông vô ích. Phải bảo trước cho quyến thuộc biết, lúc mình bịnh ngặt sắp chết, đừng rơi lệ thương khóc, hoặc phát ra tiếng than thở âu sầu, làm kẻ lâm chung rối loạn tâm thần, lạc mất chánh niệm. Nói tóm lại, tất cả chỉ giữ một việc xưng danh trợ niệm cho đến sau khi tắt hơi. Nếu lại được bậc tri thức hiểu rành về Tịnh độ, thường đến khuyên thật là diệu hạnh! Như lúc lâm chung biết áp dụng phương pháp này tất sẽ được vãng sanh không còn nghi ngờ chi nữa.

Nam Mô A Di Đà Phật

(Pháp sư Tịnh Không)

5/5 - (1 bình chọn)


source https://www.niemphat.vn/chanh-niem-khi-lam-chung

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sự lợi ích và phước báu của sự thành thật

Phật giáo không mang tính áp đặt và đe dọa