Tâm không phân biệt hiểu sao cho đúng?

Nếu một người làm việc thiện, ca ngợi người làm việc thiện, nhưng lại luôn có ý khinh ghét báng bổ những người làm việc ác, thì người đó vẫn bị mắc kẹt giữa thiện ác, chưa có được tâm không phân biệt.

Và thực ra, khi tâm họ nảy sinh khinh ghét hay báng bổ người khác, thì tâm họ lúc này cũng không còn là thiện nữa, hay dính mắc vào nghiệp bất thiện rồi.

Vậy nên, một người làm việc thiện mà không vượt qua được tư duy phán xét dính mắc thì thực ra, cuộc sống của họ vẫn là thiện ác đan xen nhau.

tâm không phân biệt

Có người bạn nọ, kể từ ngày tu học theo chánh Pháp, bạn thấy ra được những mê tín dị đoan trong gia đình, như việc cha mẹ mỗi lần có việc gì hệ trọng là đi thầy bói coi ngày, đi chùa thắp hương khẩn cầu điều này điều nọ, duy trì việc đốt vàng mã,… Bạn cảm thấy rất khó chịu và bất lực trước hành vi và nhận thức của cha mẹ. Nhưng càng lên tiếng, cha mẹ bạn càng tức giận.

Người bạn ấy đã không hiểu rằng đó là tự do tín ngưỡng của mỗi người, mình không thể lấy cái tâm phân biệt để dẹp bỏ hay làm tổn thương niềm tin của người khác. Như thầy VM từng nói, người không biết bơi đương nhiên phải bám vào bất cứ cái phao nào mà họ vớ được, bảo họ bỏ cái phao, làm sao họ không tức giận cho được.

Cũng thế, khi người chưa đủ tự tin hay chánh tín, hãy để họ bám vào niềm tin nào đó mà họ cảm thấy an tâm. Mỗi người vốn có trình độ căn cơ khác nhau nên mới có nhiều pháp môn phương tiện khác nhau để đáp ứng. Dù đang học đại học thì cũng không nên chê trung học hay tiểu học mà nên tùy trình độ để chia sẻ chánh pháp.

Cũng vậy, tâm không phân biệt tức là nhìn ra được căn cơ trình độ của chúng sinh là khác nhau để từ đó thấu hiểu, thông cảm thay vì phán xét và gây chia rẽ. Một người làm việc ác hay đang có những hành vi sai trái thì điều đó cũng không nói rằng họ toàn ác.

Bởi bản chất tâm của chúng sinh vốn giống nhau, là đều có Phật tánh, chẳng qua là vì đang bị vô minh, bản ngã tham, sân, si che mờ mà hành vi và nhận thức chưa đúng tốt hoàn toàn. Thế nên, người thấy ra được sự thật đã bao hàm luôn cả việc không để mình bị mắc kẹt trong sự thật ấy.

Khi một người tu học, vấn đề thường thấy là họ lại để chính mình bị mắc kẹt vào hiểu biết riêng của bản thân. Chẳng hạn, một người có tri thức về tông phái này, lại khởi tâm phán xét tông phái khác. Tức khi theo một tông phái thì họ lại mắc kẹt vào niềm tin của tông phái đó.

Chẳng phải các cuộc chiến tranh và xung đột trên thế giới này đều bắt nguồn từ việc mắc kẹt vào một niềm tin nào đó hay sao. Vì không thể chấp nhận được sự khác biệt, vì cực đoan cho rằng niềm tin của mình là đúng đắn, là tuyệt vời hơn tất cả, nên tâm sân mới khởi lên, thù hận và nóng giận bắt đầu thúc đẩy họ tạo tác những hành động sai lầm, gây tổn thương, đau đớn và mất mát cho hàng tá con người, và chúng sinh khác.

Nhiều người lầm tưởng rằng tâm không phân biệt tức là thấy thiện ác, đúng sai đều như nhau, nhưng đó là một quan niệm hết sức sai lầm (tà kiến). Một người ngộ ra sự thật là người nhìn ra được bản chất hai mặt của cuộc sống (nhị nguyên) nhưng không bị dính mắc, bám chấp vào nhị nguyên. Ta gọi đó là bất nhị, hay trung đạo, tức vượt lên được nhị nguyên.

Chánh Kiến

5/5 - (1 bình chọn)


source https://www.niemphat.vn/tam-khong-phan-biet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sự lợi ích và phước báu của sự thành thật

Phật giáo không mang tính áp đặt và đe dọa