Tịnh độ và cõi tịnh
Từ lâu người ta thường bảo tu Tịnh Độ chỉ cần niệm Phật thì Phật A Di Đà có 48 đại nguyện trong đó có nguyện cứu giúp chúng sanh niệm Phật, sẽ được đưa về cõi Tịnh Độ để tiếp tục nghe Phật giảng. Chỉ cần một niệm Phật là được rước đi. Phép tu nầy nghe rất dễ dàng và đơn giản. Nhưng điểm cốt lõi của phép môn Niệm Phật là nhất tâm bất loạn mới được đưa về cõi Tịnh Độ. Đâu dễ chỉ cần một niệm Phật thôi mà được giảng giải rằng nhất tâm bất loạn là tập trung tâm vào một niệm Phật mà thôi. Đó là trạng thái Định của thiền. Muốn vậy cũng dùng thiền để niệm Phật tức là thiền trong Tịnh Độ. Khi Phật giảng cho rằng bên phuơng tây có Phật A Di Đà với 48 lời đại nguyện thì chúng sanh vội vàng đi theo tu phép môn Tịnh Độ này. Tu này Phật dạy lối tu tha độ khi chúng sanh không đủ sức tự mình thắp đuốc mà đi theo Phật.
Xem thêm: Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ Cực Lạc
Có cõi Tịnh Độ
Câu hỏi được đặt ra theo kinh Phật có cõi Tịnh Độ hay không? Phật có giảng về cõi này không?
Chúng ta hiểu và tin dựa vào kinh Phật để lại chứ không thể chứng minh cụ thể về cõi nào ngoài tư duy của chúng ta. Âm thanh là một lối tu rất thịnh hành tại Ấn Độ. Nhờ âm thanh mà có sự thông đạt tiếp xúc giữa chúng ta với chư thiên theo kinh Lăng Nghiêm. Nhờ âm thanh mà ta thấy được chân tâm ta là tánh Không do quán chiếu nhĩ căn theo phép tu Quan Thế Âm Bồ Tát. Phép tu nầy phản văn tự kỷ, chúng ta tự quay vào lắng nghe chính mình, sự lắng động trống rỗng của tâm mình có tiếng nói của nó. Âm thanh phát ra từ miệng mũi cuống họng âm vang lên não bộ tạo sự bắt nhịp cầu với chư thiên và Bồ Tát Phật, đó là pháp môn tu Mật Tông. Vì thế tăng ni khi tụng kinh âm thanh từ cuống họng hơn là từ lưỡi nên nghe không rõ ràng và có âm tần số khác thường lệ. Như vậy ngoài Nguyên thủy đạo Phật còn phát triển Mật tông thì chấp nhận có một thế giới khác thế giới của chúng ta đang sống. Theo kinh Kim Cang có Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Phật Thích Ca trong kiếp trước của Phật, và Phật là Phật thứ 7 trong nhiều vị Phật. Có Phật Nhiên Đăng thì có Phật A Di Đà là điều logic. Theo Nguyên thủy kinh Phật chỉ có do Ananda kể lại. Nhưng có nhiều việc mà Ananda không biết mà kinh Phật có ghi nhận như: sau khi đắc đạo dưới cội bồ đề, Phật gặp hai người thương gia đi ngang ghé thăm Phật và đàm đạo cùng Phật một thời gian, vậy Phật đã nói gì với họ? Có một nhóm tu tập trưởng lão Bà La Môn tu trong rừng là Upanisac, A lăng Nhã mỗi vài tháng về thăm Phật như Tu Bồ Đề. Mặc dù Phật nhập tịnh thất không có ai được phép vào nhưng nhóm này ưu tiên vào tịnh thất thăm Phật bất cứ lúc nào và Phật đã dạy họ điều gì Ananda không biết được. Cũng như sau khi ngộ đạo, Phật ngồi im lặng thiền định 21 ngày được giải thích là Phật giảng cho chư thiên Bồ Tát bảo vệ Phật về kinh Hoa Nghiêm. Kinh cũng ghi nhận Phật có nói chuyện với một trưởng lão Bà la Môn từ khuya đến sáng mà Ananda ở cạnh Phật không biết điều đó, chỉ biết khi sáng dậy thấy Phật và người đó nói chuyện. Như vậy ngoài kinh Nguyên thủy ra Phật còn nói nhiều việc khác nữa. Từ ngàn xưa Phật đã giảng có nhiều cõi thiên, từ tiểu thiên đến trung thiên và đại thiên trong vũ trụ này. Có nhiều thế giới liên hệ nhau theo tính duyên khởi bằng những phương tiện khác con người chúng ta như cõi Hương Tích của Duy Ma Cật. Sinh vật cõi chúng ta, thấy nó liên hệ nhau bằng phương tiện rất khác xa chúng ta mà chúng ta không hiểu được. Ngay cả loài người có biết bao ngôn ngữ khác nhau khi dùng âm thanh liên hệ. Khoa học chứng minh luật hấp dẫn Newton có hằng số, như vậy cõi chúng ta có hằng số đó và có cõi khác khi số hằng số đó thay đổi. Điều này Stephen Hawking cũng đã chứng minh được. Ông khẳng định có nhiều giống người ngoài hành tinh chúng ta, có quy ước khác chúng ta và rất thông minh hơn chúng ta. Ông khuyến cáo họ có đến gặp chúng ta thì đừng gây hấn chiến đấu với họ. Và chúng ta cũng đừng tìm đến họ. Có thuyết cho rằng đi khám phá mặt trăng phần có ánh sáng, rồi đi qua phần bóng tối thì thấy có cơ sở của người ngoài hành tinh đang thành lập trên đó, nên cắt đứt chương trình đi lên mặt trăng vì sợ tiếp xúc với họ. Sự tư duy bằng thiền định với làn sóng não bộ của Phật với tốc độ nhanh hơn ánh sáng, thì Phật có thể biết được cả vũ trụ đại thiên này. Einstein đã chứng minh rằng nếu tốc độ di chuyển bằng tốc độ ánh sáng thì thời gian triệt tiêu và như vậy không gian cũng triệt tiêu. Với làn sóng não của Phật nhanh như ánh sáng, thì Phật nhìn thông suốt các cõi thiên là điều logic. Và ngày nay với Black hole thu hút năng lượng để đi vào một thế giới khác thế giới của dãy ngân hà của chúng ta là điều có thật. Với hệ thống đối chiếu khác hệ thống hiện tại chúng ta dùng Descartes, thì vũ trụ nầy vô bờ mé như thuyết giãn nở của Stephen Hawking. Nhìn ra thì có một cõi Tịnh Độ là điều logic, cõi bên tây phuơng Phật nói là dựa theo hệ thống định vị khác với định vị Descartes của chúng ta biết đông tây nam bắc này. Ngày nay phóng vệ tinh đi thám hiểm sao Hỏa đều dùng hệ thống định vị khác nhiều,
áp dụng định luật Kepler với quỹ đạo HohMann. Vậy cõi tây phuơng đó có thật. Chủ đích là sự giải thoát của chúng sanh, Phật nói với tâm từ bi cứu chúng sanh cả đời lo sinh sống, khi chết muốn theo Phật chỉ cần một niệm bật lên A di Đà Phật đến cứu rước đi về cõi Tịnh Độ, để tu tập Phật pháp là điều có thật và logic. Trong nghiệp có Đới nghiệp vãng sanh có nghĩa là việc khất nợ tức là hoãn nợ, chúng ta có nghiệp để đi đầu thai. Nhưng với tâm từ bi của Phật A Di Đà chúng ta được người rước về cõi Tịnh Độ để tu đạo Phật, qua đới nghiệp vãng sanh hoãn nợ của nghiệp đó một thời gian để tu tập. Chúng ta đã biết nghiệp không phải là trả thù, bản chất nghiệp là nhân quả còn có duyên ở giữa. Vậy với lòng từ bi vô hạn của Phật thì chúng ta có thể hoãn trả nợ, nghiệp đó một thời gian để tu tập mà giảm dần nghiệp lực. Cõi Tịnh Độ là thực hiện điều đó cho chúng sanh. Vì luật nghiệp cho ta thấy không có nghiệp gì mà ta không chuyển nghiệp được, không có nợ nào mà ta không trả được. Trả nợ tùy vào duyên là người trả, người nhận trả và vật được trả. Tất cã nằm trong luật nhân duyên quả. Vậy ta chết đi đầu thai do nghiệp có thể hoãn hay thay đổi, do duyên do tâm ta nhất thiếc duy tâm tạo. Nếu tâm ta hướng về Phật A Di Đà thì tâm ta có thể về cõi Tịnh tu tập. Cái chết của con người do 3 yếu tố: thọ tận, phước tận, và hoành tử. Như vậy với cái chết hoành tử là lúc thọ và phước còn mà chết, thì có thể về cõi Tịnh Độ theo Phật A Di đà được dễ dàng, vì nghiệp chưa trổ ra để dẫn đi. Nghiệp lúc đó chưa có đủ sức đẩy đi. Chết vì tai nạn bất đắc kỳ tử là hoành tử, có thể đi về cõi Tịnh dễ dàng nhất. Tóm lại với tâm từ bi vô hạn của Phật, chúng sanh có một cõi Tịnh Độ để đi về tu tập theo Phật, rồi trả nghiệp tiếp theo đó sanh lại trong 6 nẻo luân hồi hay không, do tu lực đạt được sau đó. Đó là hoãn nợ của nghiệp gọi là Đới nghiệp vãng sanh. Tất cả rất là logic.
Tóm lại có một cõi Tịnh Độ là logic do các lý do như sau:
-Phật và Phật A Di Đà rất từ bi không có bờ mé vô giới hạn
-Trong Nghiệp có Đới nghiệp vãng sanh để hoãn trả nợ nên lực hút đẩy của nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi lực thứ hai là nguyện lực tương tự ta tu hành có Tín nguyện hạnh vậy. Nhất thiếc duy tâm tạo với nguyện lực mạnh thì sẽ đưa tâm thức ta đi theo được nguyện lực.
-Phật có dạy bảo thế giới có 3 thiên là tiểu thiên trung thiên và đại thiên. Tiểu thiên có bề rộng 25000 năm ánh sáng mới đi đến được hết một tiểu thiên.Trung thiên là bằng 1000 tiểu thiên và đại thiên bằng 1000 trung thiên. Tam thiên thì có một vị Phật điều hành. Việc nầy phù hợp lý thuyết của Stephen Hawking là vũ trụ nầy giản nỡ chưa bao giờ chấm dứt nên sự to rộng của nó vô bờ mé vô giới hạn. Kế đến là có Black hole nơi đó hút các năng lượng free tự do không bị trói buộc bởi sức hút nào hết. Khi chúng ta chết mà Đới nghiệp vãng sanh hay Hoành tử tức là chết bất đắc kỳ tử do tai nạn khi mà thọ mạng chưa hết, phước chưa tận thì tâm thức ta được tự do bởi chưa có lực hút đi tái sanh. Như vậy nếu ta nguyện theo Phật A Di Đà thì đi dễ dàng đến quốc độ của ngài. Quốc độ đó là tâm thiện theo quy ước của ngài mà hiện hữu.
– Phật là người từ bi vô giới hạn: khi chúng sanh cả đời lỡ sinh sống làm lụng vất vã nuôi gia đình vợ con đến khi già sắp chết thì mới mong đi về Phật tu hành. Thời gian và điều kiện vật chất không có đủ để tu tập thì khi chết nằm xuống thì Phật từ bi cho về quốc độ của ngài để tu hành tiếp tục là điều (logic và fair) khả thi vì nếu không chịu tu tập thì sẽ rơi trở lại cõi ta bà trả nghiệp. Nếu chịu tu hành thì giảm dần nghiệp đã tạo ra thì sẽ đạt được giảm hay xóa nghiệp. Không có nghĩa là về cõi Tịnh để an hưởng vàng bạc mã não không cần ăn uống hay làm lụng mà hưởng thụ đâu.
– Phuơng tây của Phật chỉ là theo hệ thống không gian mà ngày nay định vị không còn theo Descartes của thế kỷ thứ 18 nữa. Không gian ấy có phương Tây bởi không gian có thời gian xen vào. Sự định vị nó ở bên kia của Black hole thì rất là logic. Giải thích làm sao Phật có Phật nhãn nhìn được định vị cõi Tịnh độ thì chúng ta biết rằng nhãn có 5 nhãn: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn. Einstein từng cho rằng nếu có một vệ tinh bay bằng tốc độ ánh sáng thì thời gian thu lại thành zero. Bằng thiền định của Phật thì tốc độ tư tưởng của Phật qua thiền định đi nhanh bằng tốc độ ánh sáng. Như vậy thời gian là zero nên Phật nhìn được, Phật nhận biết được kiếp trước của mình hàng trăm ngàn kiếp và kiếp trước người đối diện hàng trăm ngàn kiếp là lẽ đương nhiên vì không còn thời gian trói buộc nữa. Vậy với Phật nhãn Phật nhìn được vũ trụ rộng lớn không bờ mé này một cách tự nhiên và logic. Vậy Phật nói cõi phuơng tây có cõi Tịnh thì ta tin được lời Phát dạy này, vì với nhục nhãn của ta làm sao nhìn được cõi thiên bằng thiên nhãn được, nói chi đến huệ nhãn pháp nhãn và Phật nhãn. Nói tóm lại khi chúng ta chết 5 uẩn tan rã chỉ còn tâm thức là một năng lượng thì nguyện lực có tầm ảnh hưởng đến nghiệp lực và có thể xoay chuyển đường đi của tâm thức ta. Nếu có Phật A Di Đà thì có cõi Tịnh độ và có việc chúng ta tu đi về cõi ấy. Trong kinh Phật có Phật Nhiên Đăng trong kinh Kim Cang thì Phật Thích ca là Phật thứ 7 như vậy có nhiều vị Phật khác nữa thì có Phật A Di Đà là điều logic. Có vị Phật thì có tâm từ bi tạo một lực hút khi mà tâm thức ta là một năng lượng theo nguyện lực thì free không bị trói buộc thì đi theo sức hút của Phật A Di Đà là điều khả thi. Có nơi chấp nhận tạo lực hút nhận cộng với lực nguyện đi theo ngài thì cả hai đủ tạo một lực nghiệp gọi là Đới nghiệp vãng sanh để không chạy theo nghiệp lực cũ nữa. Tịnh Độ tông đòi hỏi hành giả Tín Nguyện Hạnh là đơn giản cho phàm phu. Nhưng với khoa học vật lý lượng tử ngày này cũng giải thích được cái khả thi logic của cõi Tịnh này. Chúng ta bị hạn chế bởi tầm nhìn nhục nhãn, hạn chế bởi quy ước của con người, hạn chế bởi sự truyền tải thông tin của loài người khác các loài vật khác và nhất là trên vũ trụ còn có người ngoài hành tinh UFO là sự hiện hữu rất logic. Với sự hạn hẹp đó mà ta phủ nhận cõi Tịnh Độ là điều rất thiếu sót trong khi chính chúng ta chưa có ai đạt được tốc độ tư tưởng như Phật khi thiền định đạt hết 40 định như Phật. Có ai đạt được 3 cái minh của Phật sau 49 ngày dưới cội Bồ Đề? Thêm nữa có 6 nẻo luân hồi có cõi thiên Bồ Tát, cõi trời Đâu lợi của mẹ Phật.
Ngoài ra có chư thiên Bồ Tát mới có tu Mật tông để thông đạt với họ. Nếu từ chối cõi Tịnh Độ là từ chối rất nhiều khía cạnh đạo Phật như Mật tông, cõi trời, chư thiên Bồ tát, cõi Niết Bàn, và các kinh như Lăng Già Hoa Nghiêm Pháp Hoa Đại Bát Niết Bàn và nhiều kinh khác. Khoa hoc ngày nay có rất nhiều điều chưa giải đáp được nhất là UFO.
*Đặt tâm ở Cực lạc của HT.Thích Trí Quảng – Vườn hoa Phật giáo.(Trích đoạn)
Theo pháp môn Tịnh độ, trì danh niệm Phật là bước đầu của hành giả thực tập và giai đoạn thứ hai là quán tưởng niệm Phật mới là pháp chính yếu giúp chúng ta vãng sanh. Vì nhờ trải qua quá trình công phu niệm danh hiệu Phật A Di Đà như vậy, chúng ta đi vào ức niệm, hình dung được Phật A Di Đà cùng Thánh chúng và thế giới Cực lạc.
Dùng pháp quán này, chúng ta nương theo kinh Quán Vô lượng thọ mà quán tưởng về Cực lạc, về người tu ở đó, quán tưởng về Phật A Di Đà đang thuyết pháp. Đó chính là bước tiến phát huy được tâm linh của chúng ta, vì đã rời ngữ ngôn văn tự. Vì vậy, hành giả tu pháp môn Tịnh độ có cái nhìn khác hơn người thường. Người thường thấy cảnh vật hiện hữu chung quanh, nhưng người quán tưởng niệm Phật, nhiếp tâm niệm Phật thì đi lần vào nội tâm, nên thế giới bên ngoài dần dần được đóng kín lại. Chính vì thế mà pháp môn Tịnh độ được xem là thù thắng, vượt ra ngoài Trì danh niệm Phật.
Thật vậy, từ từ đóng kín lại thế giới bên ngoài, thể nghiệm pháp niệm vô niệm là không sử dụng ngữ ngôn, sắc tướng, không niệm theo thanh trần bên ngoài; nhưng niệm này luôn có trong tâm chúng ta. Thực tu như vậy, thì thế giới Ta-bà phiền não nhiễm ô từ từ rơi rụng, không còn tác động tâm chúng ta. Các Phật tử nên suy nghĩ ý này.
Khi niệm Phật A Di Đà đến mức không còn nghe âm thanh chung quanh, không còn thấy cảnh vật chung quanh, thì đã đồng với pháp giải thoát mà Đức Phật dạy cho hàng Thanh văn tu hành để vào Niết-bàn là Không, vô tác, vô nguyện.
Chúng ta niệm Phật khởi đầu còn nghe trần duyên, kế tiếp nghe tiếng niệm Phật của mình và sau cùng, tiến đến trạng thái tâm trống không, an lạc, giải thoát; nghĩa là chúng ta niệm Phật A Di Đà cũng đã đi vào cửa giải thoát của Phật dạy cho hàng Nhị thừa.
Nếu bên trong chúng ta có hạt giống Tịnh độ, hay tịnh nhân, thì chính hạt nhân Tịnh độ ấy làm cho chúng ta phát sinh niềm tin có Phật A Di Đà, có thế giới Cực lạc của Ngài và có người vãng sanh. Cho nên khi trần duyên chấm dứt, thì hạt nhân Tịnh độ sẽ nảy mầm, trở thành cây sen ở ao thất bảo của thế giới Cực lạc. Như vậy, người niệm Phật tuy thân ở Ta-bà, nhưng tâm đã đặt vào ao thất bảo của Cực lạc. Ngài Huyền Giác diễn tả ý này là “Thế tâm An dưỡng hương”, tức thân còn ở Ta-bà, nhưng tâm chúng ta đã đem đặt ở Cực lạc của Phật A Di Đà.
Người đem tâm mình đặt ở Cực lạc, chắc chắn phải khác với người để tâm ở Ta-bà. Nếu quý vị tu, để tâm ở Ta-bà, thì những điều chướng tai gai mắt luôn xuất hiện trước mặt và tác động mình. Tu như vậy, đối với huynh đệ đồng sự, chúng ta không bằng lòng, từ cách ăn uống, cách đi đứng, cách nói năng, hay cách lễ lạy của bạn cùng tu đều làm chúng ta bực bội. Để tâm Ta-bà mà tu Tịnh độ, chắc chắn không vãng sanh được. Hành giả tu Tịnh độ, dứt khoát phải chấm dứt tâm ở Ta-bà và đặt tâm vào Cực lạc. Nghiên cứu pháp môn Tịnh độ và trên bước đường thực tập niệm Phật, khi tôi hiện diện trong đại chúng, hoặc ở trong phòng, nhưng nhiếp tâm niệm Phật A Di Đà, tất cả cảnh vật trong phòng đều biến mất, cũng như âm thanh của đại chúng, tôi không còn nghe biết.Phải đem tâm mình đặt vào Cực lạc và đặt tâm vào Cực lạc rồi, Ta-bà liền biến mất và Cực lạc hiện ra. Pháp môn này giúp chúng ta tu hành đốt giai đoạn, đi tắt, nên thù thắng là vậy; vì từ Ta-bà đến được thế giới Cực lạc mà không cần trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp để tu tất cả các pháp do Phật Thích Ca chỉ dạy. Thật vậy, Đức Phật dạy rằng để đạt đến Niết-bàn, phải mất ba a-tăng-kỳ kiếp thành tựu tất cả các pháp và còn phải trải qua thêm một trăm kiếp nữa hành Bồ-tát đạo, cứu độ tất cả chúng sanh, mới thành tựu Phật quả. Nếu chúng ta theo con đường này, thì dẫu có đi trăm kiếp ngàn đời, không biết bao giờ mới đến được.
Chính vì sự khó khăn vô cùng của đường hiểm sinh tử mà chúng sanh khó vượt qua nổi, Đức Phật mới đưa ra pháp tu Tịnh độ nhằm giúp cho tất cả mọi người được giải thoát một cách nhẹ nhàng, bằng cách chỉ cần đem niềm tin sâu chắc của chúng ta đặt vào thế giới Cực lạc là cắt đứt niệm tâm ở Ta-bà ngay.
Nếu niềm tin yếu kém thì chẳng thể nào đến Cực lạc được; có thể ví niềm tin yếu ớt như chiếc hỏa tiễn không đủ sức mạnh, phóng chưa qua khỏi tầng không gian thì bị rớt xuống lại.
Thật vậy, khi chúng ta tĩnh tọa, hướng đến mục tiêu Cực lạc, dùng hết sức chánh niệm để phóng tâm qua Tịnh độ, vụt nhớ đến việc chưa làm, nhớ điều này điều nọ, là trở lại thực tế liền, giống như hỏa tiễn bị xì, rớt xuống. Bất giác này xảy ra trong đời tôi cả trăm lần. Nhưng chúng ta không nản lòng, mỗi lần rớt xuống, lại nỗ lực tìm nhiên liệu, tạo hỏa tiễn mới, tức cân nhắc, suy nghĩ xem tại sao tâm rớt trở lại Ta-bà, tại sao không về Cực lạc được. Vì vậy, tìm đọc thêm kinh điển, hay chú sớ của các bậc cao tăng; vì các ngài cũng từng trải qua những kinh nghiệm tu tập, để kiện toàn “phi thuyền Tâm” của chúng ta vượt qua được mười muôn ức thế giới mà đến Cực lạc.
Kinh Hoa nghiêm dạy rằng niềm tin là mẹ sanh ra các Đức Phật. Phải củng cố niềm tin cho thực vững chắc; vì nếu nhiên liệu không đủ, “phi thuyền Tâm” bay lên nửa chừng sẽ bị rớt xuống, nên chúng ta phải trang bị thực đầy đủ.
Xem tivi, chúng ta thấy phi thuyền đặt trên bệ phóng phải có những hỏa tiễn phụ bám chung quanh. Năm bộ kinh là Di Đà, Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ, Hoa nghiêm và Lăng nghiêm ví như năm cái hỏa tiễn phụ được đặt chung vào một bệ phóng làm phương tiện tạo thành sức đẩy, để đưa “phi thuyền Tâm” chúng ta qua khỏi sức hút của Ta-bà. Lịch sử cho thấy các vị Tổ sư tu hành đều biết kết hợp nhuần nhuyễn các bộ kinh này để thăng hoa tâm linh.Trên đường đi đến Cực lạc, cần Tịnh độ Ngũ kinh, nhưng qua khỏi không gian rồi, phải bấm nút bỏ hỏa tiễn phụ lại, tức bỏ kinh lại để tâm chúng ta nhẹ nhàng, không còn vướng bận bất cứ thứ gì, mới đến Cực lạc được. Ý này thường được diễn tả rằng qua sông rồi bỏ thuyền lại. Ta-bà chấm dứt, chỉ có tâm thanh tịnh, tức tịnh nhân, mới vào ao thất bảo ở Cực lạc được. Còn có bất cứ khái niệm nào đều rớt trở lại trần gian này. Và tâm ở Cực lạc rồi, chúng ta nghe được pháp âm của Phật A Di Đà; nghe kinh bằng tâm, không bằng ngôn ngữ, tâm ta thông qua tâm Phật. Tu hành đạt đến sở đắc này, lúc nào cũng nghe Phật thuyết pháp. Người về Cực lạc nghe Phật A Di Đà thuyết pháp bằng tâm và nghe rồi, liền ngộ Vô sanh nhẫn. Chỉ một lần nghe Phật thuyết pháp mà ngộ Vô sanh, trong khi bình thường A-la-hán tu phải mất ba a-tăng-kỳ kiếp mới chứng được Vô sanh. Phải đến Cực lạc và nghe Đức Phật A Di Đà thuyết pháp bằng tâm mới chứng quả Vô sanh và từ Vô sanh lại hiện sanh, thì không rời An dưỡng quốc mà trở lại Ta-bà. Nói cách khác, tâm chúng ta vẫn an trụ Cực lạc, nhưng thân ở Ta-bà; bấy giờ, thân ở Ta-bà trở thành vệ tinh của Cực lạc, nên bắt được tín hiệu của Cực lạc, nghe được pháp âm của Phật A Di Đà. Người có niềm tin ví như có máy vi tính nối mạng với toàn cầu, chỉ cần mở mạng là biết được thông tin trên khắp thế giới. Cũng vậy, người đắc đạo tuy ở Ta-bà, nhưng tâm an trụ Tịnh độ, nên nghe được Phật A Di Đà nói pháp và ai có nhân duyên tiếp xúc với họ, liền được an lạc giải thoát theo. Đó là sự kỳ diệu của hành giả thâm nhập Tịnh độ.
Trên bước đường tu, đòi hỏi chúng ta nhiếp tâm thì đến Cực lạc và tâm thanh tịnh được, trong lúc hành đạo ở Ta-bà, nhưng thân tâm và hoàn cảnh sống của chúng ta có sức thuyết phục, nhiếp hóa được mọi người. Đạt được thành quả như vậy, Phật mới dạy rằng mỗi người đi một phương để giáo hóa chúng sanh. Nhưng có người hiểu lầm ý này, vội đi giáo hóa, mà chưa giải thoát, thì không ai nghe theo, chỉ có phiền não phát sinh. Quan trọng là phải ngộ Vô sanh nhẫn, cuộc sống chúng ta thể hiện đạo giải thoát, người thấy thành quả tốt lành ấy mới giải thoát theo.
Tu pháp môn Tịnh độ đặt tâm ở Cực lạc, học cách suy nghĩ, cách sống của Phật, Bồ-tát, La-hán, Thánh chúng Liên Trì hải hội, tâm hành giả được sáng tỏ theo sự giáo dưỡng của các Ngài. Sau đó, tâm hành giả quay trở về Ta-bà, làm nơi nương tựa an ổn, giải thoát cho mọi người thăng hoa đạo đức và tri thức.
Qua bài viết của HT Thích Trí Quảng, chúng ta nhận thấy Tịnh Độ đã kết hợp thiền chỉ thiền quán, niệm Phật nhất tâm bất loạn là đạt định của thiền chỉ rồi đến quán chiếu của đại thừa là về tánh không, về duy thức như kinh Lăng nghiêm đạt ngộ vô sanh pháp nhẫn, nhẫn đây là đạt được nhập vào pháp vô sanh. Hoa nghiêm về tâm Nhất thiếc duy tâm tạo. Như vậy tu Tịnh Độ còn có thiền quán sau khi định bởi niệm Phật. Việc này đòi hỏi hành giả không dễ dàng như đã tưởng chỉ một niệm Phật là được rước đi. Cứ cầu mong Phật tha độ mà không tự độ tự mình thắp đuốc mà đi. Bài viết này tổng hợp Nguyên thủy như lý tác ý thủ hộ 6 căn và Đại thừa Hoa nghiêm Lăng nghiêm trung quán Tánh Không mà quán chiếu.
Ý nghĩa và giá trị của pháp môn Niệm Phật
(Trích đoạn bài viết của Thiện Tài – Vườn hoa Phật giáo.)
Có người cứ nghĩ niệm Phật để Phật phò hộ, niệm Phật để Phật ban phước, niệm Phật để Phật tiêu tai giải nạn cho mình, thế là vô tình biến Phật thành ông thần ban phước giáng họa. Do mình tưởng như thế, tin như thế, chứ kỳ thực Phật không ban phước giáng họa cho ai. Bởi không ai có quyền năng ban phước giáng họa cả.
Đức Phật cho biết, tất cả đều vận hành theo quy luật duyên sinh nhân quả. Niệm Phật với dụng tâm sai lầm sẽ không đạt được giá trị to lớn của pháp môn Niệm Phật, mặc dù có được chút ít phước báo, có được sự an tâm tạm thời do niềm tin mang lại. Do duyên nghiệp mà chúng sinh phải mang lấy xác thân, hình hài như thế này hay thế khác, sinh ra trong hoàn cảnh tốt đẹp hay không tốt đẹp. Nhưng dù thuộc loại chúng sinh nào trong bốn loài noãn thai thấp hóa, sống trong hoàn cảnh tốt đẹp hay không tốt đẹp, tất cả đều không tránh khỏi tình trạng vô thường biến đổi, cho nên con người không thể nào tránh khỏi bất mãn, thất vọng, khổ đau, không thể nào có được một đời sống hoàn toàn tốt đẹp như ý muốn. Không ai hoàn toàn hạnh phúc mà không một lần khổ đau; không ai lúc nào cũng vui mà không có nỗi buồn phiền; không ai luôn toại lòng mãn nguyện mà chưa một lần thất vọng; không ai khỏe mạnh mà chẳng ốm đau; không ai trẻ mãi, sống hoài mà không già không chết v.v…Nếu tạo nghiệp thiện, nhân duyên lành thì đời sống hạnh phúc nhiều hơn đau khổ. Đức Phật không thể làm trái luật duyên sinh nhân quả, và cũng không ai có thể làm trái luật duyên sinh nhân quả. Cho nên cầu Phật, cầu trời, cầu thần linh gia hộ mà không thuận theo nhân quả làm lành, tạo nghiệp thiện, gieo nhân tốt thì chẳng gặt hái được kết quả gì.
Trong các kinh về Tịnh độ, Đức Phật Thích Ca và Đức Phật A Di Đà dạy chúng sinh tu tập pháp môn Niệm Phật, quán tưởng và phát nguyện vãng sinh, tạo các nhân duyên lành để hội đủ điều kiện vào thế giới Cực lạc. Nhân tố quyết định để vãng sinh là phải “nhất tâm bất loạn”, “tâm không điên đảo” (Kinh A Di Đà). Các Ngài không bảo chỉ cần tin các Ngài thôi, tin có thế giới Cực lạc thôi, gọi tên Phật A Di Đà và cầu Ngài đến đón thì Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp rước đưa về Cực lạc. Nếu tâm còn bị vô minh ngăn lối cản đường, bị phiền não kiết sử trói buộc thì làm sao giải thoát khỏi thế gian này. Khi tâm không còn vô minh, phiền não kiết sử thì cảnh giới Cực lạc hiển bày, Ta-bà và Tịnh độ không khác. Niệm Phật là làm mới. Dù cho niệm Phật bao nhiêu câu, một ngày mấy thời, nếu không thay đổi nhận thức, tư duy, không điều chỉnh hành vi, lối sống của mình (chuyển nghiệp) theo hướng tích cực thì không cải thiện được gì cả, không làm mới được bản thân, không thay đổi được cuộc đời, không xây dựng được nền tảng an vui, hạnh phúc cho tương lai.
Nếu như thế thì niệm Phật để làm gì, chỉ cần thay đổi hành vi, lối sống là được rồi? Niệm Phật là một phương tiện giúp cho hành giả thanh lọc tâm ý, chuyển hóa nội tâm theo hướng tích cực để làm thay đổi hành vi, lối sống. Nhưng điều cần thiết là phải biết cách sử dụng phương tiện này, sử dụng có phương pháp để đạt được giá trị, lợi ích thiết thực.
Khi niệm Phật, hành giả nhiếp tâm vào câu Phật hiệu, từ đó tâm không khởi vọng tưởng (không nhớ chuyện đã qua, không mơ chuyện chưa tới; không suy nghĩ vẩn vơ, không để tư tưởng đi hoang vô định), tâm không tiếp xúc, không duyên với trần cảnh, không bị hoàn cảnh bên ngoài tác động, chi phối, phiền não bên trong không có điều kiện sinh khởi. Nếu chánh niệm được duy trì (tâm an trú vào câu Phật hiệu) thuần thục, chuyên nhất, lâu ngày thành tựu định lực và tuệ giác. Có định lực vững chắc và tuệ giác luôn soi sáng thì ngoại duyên không thể tác động, không thể chi phối hay gây ảnh hưởng; tâm không vọng động thì an nhiên tự tại, không có phiền não khổ đau. Có tuệ giác soi sáng thì không rơi vào mê lầm, điên đảo vì vọng chấp, thấy rõ được chân tướng của sự vật hiện tượng, bản chất của muôn pháp, từ đó mà hành vi, lối sống cũng thay đổi, cuộc đời cũng thay đổi. Đó là nương nơi câu Phật hiệu mà làm thanh tịnh tâm ý (tự tịnh kỳ ý), dẫn đến thay đổi hành vi, lối sống (vì tâm ý là chủ tạo tác, hễ tâm ý thay đổi thì hành vi, lối sống thay đổi), tức dùng phương pháp niệm Phật để chuyển ba nghiệp thân, khẩu, ý.
Nếu người niệm Phật thường nhớ nghĩ đến thân tướng, công hạnh, đại nguyện, cảnh giới trang nghiêm, thù thắng của chư Phật (thường là quán tưởng về Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc), thì dần dần chuyển hóa những chủng tử nghiệp bất thiện trong tâm thức thành chủng tử thiện, huân tập những chủng tử công đức, phước báo giống như chư Phật, chư Bồ-tát vào tâm thức của mình, làm phát triển lớn mạnh những chủng tử thiện vốn có trong tâm thức (cũng có thể hình tượng hóa là đánh thức ông Phật trong tâm mình, hay làm cho hạt giống Phật sinh trưởng và phát triển, hiện hành); càng tu tập càng chuyển hóa, từ tâm chúng sinh phàm phu thành tâm Phật.
Một khi tâm hành giả đã chuyển hóa thì chắc chắn cảnh giới sẽ chuyển hóa theo nhất thiếc duy tâm tạo. Tùy mức độ chuyển hóa của tâm mà con người và hoàn cảnh sống của người niệm Phật có những thay đổi, và nhất là khi từ bỏ thân xác này (khi mãn phần, đời sống này chấm dứt) thì hành giả sẽ sinh vào cảnh giới tương ưng với thiện nghiệp của mình. Người tu Tịnh độ cầu vãng sinh về Cực lạc sẽ theo tâm niệm, nguyện lực của mình và công năng tu tập, nương Phật lực của Đức Phật A Di Đà mà thể nhập cảnh giới Cực lạc. Như thế thì niệm Phật chẳng những làm thay đổi con người và hoàn cảnh hiện tại của mình, mà sau khi thân hoại mạng chung, xả bỏ báo thân này còn có thể thay đổi cảnh giới, chuyển phàm thành Thánh, từ chúng sinh thành thượng thiện nhơn, Bồ-tát, Phật. Niệm Phật thành Phật chính là giá trị cao nhất của pháp môn Niệm Phật. Tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Trong kinh Hoa nghiêm, Đức Phật cho biết: “Tất cả chỉ tâm tạo”, “Tâm như thợ vẽ khéo, vẽ nên các thế giới”. Thế giới Cực lạc do tâm từ bi và trí tuệ, công đức phước báo và nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà có. Hễ tâm ai tương ưng với cảnh giới Cực lạc thì sinh về Cực lạc.
Muốn đến thế giới Cực lạc phải có cái tâm như tâm của Phật A Di Đà, hoặc như tâm các vị Bồ-tát, các bậc thượng thiện nhơn, có chí nguyện như các vị ấy, đó là điều kiện để xây dựng thế giới Cực lạc. Nếu tâm chúng ta chỉ là những nhân tố, những thành phần xây dựng nên cõi trời, cõi người thì nó chỉ có thể kiến tạo nên cõi trời, cõi người. Nếu tâm chúng ta là những nhân tố, những thành phần có phẩm chất xấu hơn, không thể xây dựng nên cõi trời, cõi người, thì những chất liệu đó sẽ cấu thành những cảnh giới khác như a-tu-la, ngạ quỷ, súc sinh chẳng hạn.
Có người chỉ muốn niệm Phật để tâm bình an, niệm Phật để chuyển hóa phiền não khổ đau, họ không hướng về Cực lạc vì còn luyến ái cõi Ta-bà này. Người không có chí nguyện vãng sinh như thế thì khó có thể vãng sinh, bởi vì không có chí nguyện, ý hướng về Cực lạc, nói cách khác là không có những thứ cần thiết để gây dựng, thiết lập thế giới Cực lạc thì không có được thế giới này. Tuy nhiên nếu có tu tập, hành trì pháp môn Niệm Phật, có niềm tin về thế giới Cực lạc, về Đức Phật A Di Đà, tích cực hành thiện tu phước thì những nhân duyên lành đó không mất, cũng không phải không có ích trong hiện tại, và đến một lúc nào đó trong đời này hoặc đời sau những hạt giống lành đó sẽ phát triển lớn mạnh, khi hội đủ điều kiện nhân duyên chúng sẽ đơm hoa kết trái, người đó cũng sẽ phát nguyện vãng sinh hoặc chứng nhập cảnh giới Cực lạc ngay trên cõi đời này.
Trong hiện tại, pháp môn Niệm Phật giúp người hành trì thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý; không tiếp tục tạo các nghiệp xấu, ác, bất thiện, từ đó hiện tại và tương lai không phải gánh chịu những nghiệp quả khổ đau, các nghiệp nhân bất thiện đã gieo trong quá khứ cũng không có điều kiện sinh khởi, hiện hành, chuyển hóa được phần nào nghiệp bất thiện khi chưa trổ quả, nhờ vậy cải thiện được đời sống hiện tại của mình và xây dựng được nền tảng tốt cho tương lai.
Nhờ hành trì pháp môn Niệm Phật mà tâm định tĩnh, trí sáng suốt, ngoài không bị ngoại duyên tác động, trong không bị phiền não vọng tưởng chi phối, nhờ đó không còn lo lắng, sợ hãi, khổ đau, có thể giải quyết được những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong đời sống. Đó là kết quả của đời sống chơn chánh có tu tập, thực hành nếp sống đạo đức, tuyệt nhiên không phải là sự phò trợ, giúp đỡ bằng quyền năng hay phép màu của Đức Phật.
Làm thế nào để niệm Phật nhất tâm bất loạn?
(Trích đoạn bài viết của Pháp Sư Tịnh Không – Vườn hoa Phật giáo)
Niệm Phật nhất tâm bất loạn theo phương pháp của Ấn Quang Đại Sư qua lời giảng của Pháp Sư Tịnh Không. Đại sư Ấn Quang dạy rằng: Phương pháp hay nhất của việc dụng công niệm “A Di Đà Phật” là điều nhiếp 6 căn, tịnh niệm nối nhau:
1. Ngay lúc niệm “A Di Đà Phật” Tâm chuyên chú vào danh hiệu “A Di Đà Phật”, là nhiếp Ý căn.
2. Miệng phải niệm cho rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp Thiệt căn.
3. Tai phải nghe đựơc rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp Nhĩ căn.
4. Ba căn này nhiếp vào danh hiệu “A Di Đà Phật” thì Mắt quyết không thấy cảnh loạn khác là nhiếp Nhãn căn.
5. Mũi cũng không ngửi những mùi loạn khác là nhiếp Tỵ căn.
6. Thân phải cung kính là nhiếp Thân căn.
– 6 căn đã được nhiếp phục mà không tán loạn thì tâm không có vọng niệm. Chỉ có “A Di Đà Phật” là niệm mới là thanh tịnh niệm. Nếu thường luôn nhiếp cả 6 căn mà niệm, thì gọi là tịnh niệm nối nhau, nếu thường tịnh niệm nối nhau thì nhất tâm bất loạn, niệm “A Di Đà Phật” Tam-muội sẽ dần dần được!
– Niệm “A Di Đà Phật” phải thường tưởng sắp chết sắp đọa địa ngục thì không khẩn thiết cũng tự khẩn thiết, không tương ưng cũng tự tương ưng. Dùng tâm sợ khổ để niệm “A Di Đà Phật” tức là cách hay nhất để thoát khổ, cũng là cách hay nhất trong tùy duyên tiêu nghiệp!
– Lúc niệm “A Di Đà Phật” ắt phải chí thành, hoặc có khi trong tâm khởi lên niệm đau buồn, đây là tướng thiện căn phát hiện, nhưng dè dặt chớ để việc ấy thường xảy ra, nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh sầu bi, hễ có việc vừa ý thì không nên quá vui mừng nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh hoan hỷ!
– Lớn tiếng niệm “A Di Đà Phật” không được quá gắng sức, để phòng bị bệnh!
– Khi chưa được nhất tâm thì không được nhen nhóm ý muốn thấy “Phật A Di Đà”, nếu được nhất tâm thì Tâm và “Phật A Di Đà” hợp nhau, tâm hợp với đạo thì muốn thấy liền thấy ngay, không thấy cũng hoàn toàn không trở ngại.
Nếu gấp muốn thấy “Phật A Di Đà”, tâm niệm lăng xăng, ý niệm muốn thấy kết chặt trong tâm bèn trở thành bệnh lớn của tu hành, lâu ngày sinh nhiều oan gia, theo đó thao túng vọng tình tưởng hiện làm thân Phật, thỏa mãn trả báo oán xưa, tự tâm đã không có chánh kiến, toàn thể là phần khí của ma, một khi thấy thì sinh tâm vui mừng, từ đó ma nhập vào tâm phủ, dựa ma phát cuồng, dù có Đức “Phật A Di Đà”, cũng chẳng biết làm sao. Chỉ nên nhất tâm, đâu cần phải mong thấy “Phật A Di Đà”, có phải không ?!
– Bệnh và ma đều do nghiệp đời trước mà ra, chỉ thường chí thành tha thiết niệm “A Di Đà Phật” thì bệnh tự thuyên giảm và ma tự xa lìa. Lại niệm “A Di Đà Phật” xong hồi hướng, vì tất cả oan gia đời trước mà hồi hướng, khiến cho họ thấm nhuần lợi ích việc niệm “A Di Đà Phật” mà được sinh về cõi lành!
– 1 câu (Nam-mô A-di-đà Phật hoặc A-di-đà Phật) miên miên mật mật thường thời nhớ niệm, hễ có các ý niệm tình cờ khởi lên như phẫn nộ, dâm dục, hiếu thắng, uất khí,… thì liền nghĩ rằng mình là người niệm “A Di Đà Phật”, đâu thể khởi lên những tâm niệm này ư! Niệm ấy khởi nên liền dứt, lâu ngày thì tất cả niệm làm lao tổn tâm, thần đều không do đâu mà khởi lên!
– Mỗi ngày công phu hồi hướng đều cho chúng sinh trong pháp giới. Nếu thời khóa công phu này vì chúng sinh nầy, thời khóa công phu kia vì chúng sinh kia thì cũng được. Nhưng phải có nguyện hồi hướng chung khắp mới hợp với ba thứ hồi hướng.
Ba thứ hồi hướng ấy là:
1. Hồi hướng chân như thật tế.
2. Hồi hướng quả Phật Bồ-đề, niệm niệm viên mãn.
3. Hồi hướng cho chúng sinh trong pháp giới đồng sinh Cõi Cực Lạc!
Pháp môn Tịnh Độ
Tịnh độ tông hay Tịnh thổ tông (zh. jìngtǔ-zōng 淨土宗, ja. jōdo-shū), có khi được gọi là Liên tông (zh. 蓮宗), là một pháp môn quyền khai của Phật giáo,trường phái này được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam do Cao tăng Trung Quốc Huệ Viễn (zh. 慧遠, 334-416) sáng lập và được Pháp Nhiên (法然, ja. hōnen) phát triển tại Nhật. Mục đích của Tịnh độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc (sa. sukhāvatī) Tịnh độ của Phật A-di-đà.
Đặc tính của tông này là lòng tin nhiệt thành nơi Phật A-di-đà và sức mạnh cứu độ của vị Phật này, là vị đã thệ nguyện cứu độ mọi chúng sinh quán tưởng đến mình. Vì thế chủ trương tông phái này có khi được gọi là “tín tâm”, thậm chí có người cho là “dễ dàng”, vì chỉ trông cậy nơi một lực từ bên ngoài (tha lực) là Phật A-di-đà.
Phép tu của Tịnh độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A-di-đà và quán tưởng Cực lạc. Ba bộ kinh quan trọng của Tịnh Độ tông là: Vô lượng thọ kinh (sa. sukhāvatī-vyūha), A-di-đà kinh (sa. amitābha-sūtra) và Quán Vô Lượng Thọ kinh (sa. amitāyurdhyāna-sūtra).
Ngày nay Tịnh độ tông là tông phái Phật giáo phổ biến nhất tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tịnh Độ ngày nay là thế gian tịnh độ là cõi tại đây hiện tại. Tịnh Độ tông không chỉ có niệm Phật mà thôi mà vẫn tu tập theo Đại Thừa tức là đã định rồi phải quán chiếu tiếp theo. Quán kinh Hoa nghiêm Lăng nghiêm mà đạt vô sanh pháp nhẫn. Như vậy những ai tu Tịnh Độ cần biết thiền trong Tịnh độ là thiền quán sau khi niệm Phật nhất tâm bất loạn là đã đạt định rồi. Phải học kinh khác như Hoa nghiêm Lăng nghiêm, hai kinh này dạy ta về tâm và thức cùng các tánh nghe tánh thấy tánh giác cũng như vạn pháp do tâm mà biến hiện. Tu Tịnh Độ lại là tu tâm điều phục tâm an trụ tâm. Niệm Phật chỉ là một phương tiện đi đến định của tâm, Phật A di đà là một niệm có tha lực giúp đỡ ta đi đến Phật và ta nhập thành một. Khi đó ta quán chiếu gì cũng dể đạt tánh giác. Có quán chiếu là có tuệ giác. Vậy ta giác cái gì? Đầu tiên ta quán chiếu về cõi Tịnh Độ, hiện hữu hay không hiện hữu. Có tại đây và lúc này không hay đời sau khi chết mới về cõi Tịnh Độ? Quán chiếu tâm ta và tâm Phật Di Đà là một. Tức tâm tức Phật là vậy. Tịnh Độ tông là Tín Nguyện Hạnh. Tín là tin tưởng cảnh giới tây phương và tin vững vàng. Nguyện lực là chúng sinh có nguyện về Phật A di Đà rước về cõi tịnh độ. Hạnh trì là tu tập thực hiện hành động của chúng sanh theo Phật A Di Đà. Niệm Phật tăng pháp giới là niệm về cảnh giới Tịnh Độ. Nam mô A di Đà Phật. Pháp môn Tịnh độ lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm tông như cái đảnh có ba chân, thiếu một tất không đứng vững.
* Tín là căn bản của người tu. Nếu còn nghi thì hoa không nở.
Thứ nhứt: Phải tin chắc chắn rằng, vì lòng từ bi, Đức Phât Thích Ca dạy cho chúng ta những lời trong kinh đều chân thật. Lo cho mình không tu niệm, lo chi Phật Di Đà, Thích Ca nói gạt. Rất đỗi phàm tục những người ngay thẳng còn không nói dối đặt chuyện gạt ai, huống chi luật Phật cấm vọng ngữ, lẽ nào ngài gạt đời làm chi.
Thứ hai: Phải tin chắn chắn rằng: Ngoài thế giới chúng ta vẫn sống đây, chắc chắn có thế giới Cực lạc, có nhiều điều vui do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ.
Thứ ba: Phải tin chắc chắn rằng; ta là phàm phu nhiều nghiệp chướng, không thể chỉ nương cậy vào sức mình để thoát sanh tử ngay trong một kiếp này, phải nhờ Phật giúp.
Thứ tư: phải tin chắc chắn rằng: Đức Phật A Di Đà có lời thệ nguyện rộng lớn, nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài, cầu nguyện về nước Ngài, khi chết chắc chắn sẽ được Ngài tiếp dẫn vãng sanh Cực lạc.
* Nguyện nghĩa là thệ nguyện. Tu tịnh độ mà không dám nhứt tâm thệ nguyện cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc thì khó mà thành công. Nếu thệ nguyện một lòng một dạ không dời đổi chí nguyện vãng sanh của mình mới bền vững. Lòng thệ nguyện phải cho bền chặt. Dù ai nói pháp nào hay, dù ai nói sẽ cho mình thành đạo tại thế, hoặc chứng Niết Bàn hiện tiền, mình cũng không tin, không bỏ chí nguyện vãng sanh của mình. Người có thệ nguyện là người có lập trường vững chắc, là người kiên tâm Bồ Đề, là người dám thệ rằng dù nghèo giàu sang hèn, bệnh hoạn, tật nguyền chi chi cũng không thay đổi chí hướng theo Phật Di Đà về nước Cực lạc. Sức thệ nguyện càng lớn càng thâm thì đạo tâm mới kiên cố. Nguyện lìa cõi trần này sanh về Cực lạc như tù nhân mong ra khỏi ngục, như người đi xa nhớ quê hương. Nếu chưa được vãng sanh Tịnh độ, dù cho kiếp sau làm vua ở cõi trời cũng không thích vì còn phải luân hồi, chỉ muốn lâm chung được Phật rước về Tây Phương mà thôi. được như thế thì nguyện của ta mới cảm đến Phật và thệ nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ ta. Đức A Di Đà tuy thệ nguyện độ sanh nhưng nếu chúng sanh không cần ngài tiếp dẫn, ngài cũng không biết làm sao. Muốn sanh Tây phương phải tin sâu, nguyện thiết. Thiếu hai điều này, dù có niệm Phật đến đâu cũng không thể cảm ứng với Phật; chỉ được phước báu ở cõi người hoặc cõi ngườI và gieo nhân giải thoát về sau mà thôi. Nếu tín nguyện đầy đủ thì muôn ngườI vãng sanh không sót một. Bình sanh không tín nguyện, lúc lâm chung khó được nhờ sức Phật tiếp dẫn. Lúc lâm chung nghiệp lành dữ đều hiện, nếu không tín nguyện, nghiệp lực lôi cuốn mất sự tự chủ. Nếu chỉ nương cậy sức mình, dù nghiệp còn mảy tơ cũng không thoát khỏi sanh tử. Niệm Phật đến nhứt tâm mà không tín nguyện, trong vô số người may mới có một vài người được vãng sanh. Dùng lòng tín nguyện chơn thiết thì không luận nghiệp nặng hay nhẹ, đều được nhờ từ lực vãng sanh. Ví dụ một hột cát nhỏ để vào nước liền chìm, trái lại tảng đá dù nặng ngàn cân được chở trên thuyền to cũng có thể đem đi nơi khác. Kinh Hoa Nghiêm nói: Người ấy khi gần lâm chung, trong sát na tối hậu, tất cả các căn đều bại hoại, tất cả các thân thuộc đều xa vời, tất cả các uy thế đều tan rã, chỉ còn nguyện nương là hằng còn theo dõi hướng dẫn trước mắt, trong một khoảnh khắc liền được vãng sanh thế giới Cực lạc. Xem đó đủ biết sự phát nguyện vãng sanh Cực lạc là một điều tối cần thiết cho người tu pháp môn Tịnh độ. Người tu phép này, hàng ngày hôm sớm phát nguyện vãng sanh về Cực lạc, không quên mỗi tháng có một giờ trong một ngày, đọc bài phát nguyện trước đây lạy đúng hướng có Phật Di Đà cùng chư Phật mười phương chứng minh.
* Hạnh là ta phải chí thành khẩn thiết niệm câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT mỗi thời khắc đừng để tạm quên. Ngoài thời khóa tụng, bất cứ lúc nào đi đứng nằm ngồi đều niệm thầm, nhất là nằm chưa ngủ, niệm thầm hoài cho tới ngủ quên. Thức giấc cũng niệm chuyền như vậy, lâu ngày thời thấy sự linh nghiệm của Phật Di Đà. Bất cần ngày chay hay ngày mặn, ở trần, nằm nghiêng, nên niệm thầm, tiêu rồi bước ra cũng niệm luôn. Muốn sắm chuỗi lần cũng tốt, niệm không cũng tốt. Bậc hạ phải có chuỗi lần mà buộc lòng, lâu ngày quen niệm tự nhiên như kinh không chữ, miệng niệm tai ghi nhớ rõ ràng lần lần vọng niệm tiêu dứt. Nếu làn sóng vọng tưởng nổi trào quá mạnh, nên dùng phép thập niệm ký số như sau: Niệm Phật phải ghi nhớ rõ ràng từ một đến mười câu không dư không thiếu, rồi trở lại một, cứ thế mãi trong vòng mười câu thôi không được hai chục hoặc hơn. Cách này không nên dùng chuỗi, dùng tâm ghi nhớ. Nếu niệm một hơi từ một đến mười thấy khó thì phân làm hai (từ 1 đến 5 rồi từ 6 đến 10) hoặc làm ba ( từ một đến ba, từ bốn đến sáu rồi từ bảy đến mười). Lựa cách nào hợp với mình, không nên thay đổi. (Phép này của ông Ấn Quang Pháp Sư dạy, và áp dụng có kết quả.) Niệm Phật quí tại tâm, nhưng cũng không nên bỏ sự đọc tụng ra tiếng và lạy trước bàn Phật vì thân, miệng, ý giúp đỡ lẫn nhau. Dù tâm có ghi nhớ, song nếu thân không lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích. Người đời khi khiêng đồ vật nặng còn phải nhờ tiếng giúp sức. Với hạng phàm phu, tâm hay bị xao lãng, nếu không nhờ sức thân lễ, miệng tụng, khó được nhứt tâm. Kinh Đại Tập nói: Niệm lớn thấy Phật lớn, niệm nhỏ thấy Phật nhỏ. Phật Di Đà dạy niệm cho khỏi vọng ra ý ác, tu luyện tâm thanh tịnh, lâu ngày phát ra ý thiện, theo công quá cách thời công hạnh mới nhiều. Chớ lầm Phật Di Đà cần cầu mị mà buộc tôn sùng Ngài đâu. Phật rước những người không tà niệm ý ác mà thôi. Thờ tượng Phật Di Đà trong lòng tin tưởng như thật chơn dung đó, đừng tưởng hình giả, tuy hình vẽ mà lòng mình tưởng như có ngài hiện xuống nhập vô đó, thời thiên nhãn Ngài chiếu xuống cũng thấy. Như thiệt lòng thành và cung kính thời cảm động (như động mối dây thép này, thời đầu kia động) vì tâm mình thường niệm đã hiệp với tâm Phật rồi. Nếu thuộc chú vãng sanh, gặp ai sát sanh, thời niệm Di Đà mười câu với mười câu dài (NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC.. .PHẬT) rồi niệm ba biến vãng sanh mà cứu độ nó. Gặp con chi mới chết, đương chết cũng niệm vậy. Nói chi tới lúc đưa đạo hữu lâm chung, thời niệm hoài cho đến chung cuộc.
Trong khi niệm Phật, bất cứ làm công đức gì nhỏ hay lớn, như bố thí một đồng hay cứu mạng một con kiến, hoặc xỏ dùm một lổ kim. Sau khi làm xong, tưởng tượng Phật Di Đà trước mặt đọc thầm “Tôi làm công đức này nguyện sanh về thế giới Cực lạc của ngài”.
Kết Luận
Tịnh Độ là pháp môn tu hành đông đảo người theo nhất. Đó là tôn giáo vì lấy tha độ làm chính giúp hành giả tu vãng sanh về cõi Tịnh Độ. Niệm Phật là nhớ về Phật A Di Đà nơi tây phương người có 48 lời đại nguyện. Trong đó người có nguyện ai niệm danh hiệu ngài thì sẽ được rước về cõi tây phương của ngài để nghe lời Phật giảng. Lấy Tín Nguyện Hạnh làm cơ bản và niệm Phật đến độ Nhất tâm bất loạn Phật và ta là một. Sau khi đạt được định do tâm chỉ còn một niệm, thì quán chiếu theo Hoa nghiêm kinh và Lăng nghiêm kinh. Pháp môn Tịnh Độ chú ý nhất là thực hành, mỗi ngày lạy Phật và tụng niệm 108 lần một thời ngày 3 thời. Thực hành nhiều nhất là thể hiện lòng từ bi làm Bồ tát giới. Lấy tu phước rồi tu công đức tức là làm phước ba la mật không còn phân biệt chủ thể và đối tượng. Người tu Tịnh độ rất áp dụng quy tắc Phật pháp tăng và giới luật rất nghiêm túc. Chú trọng hình tướng tôn thờ và lấy cầu nguyện lấy tha độ làm cốt lõi. Ngược lại với thiền tông lấy tâm làm chủ yếu và tự độ làm cốt lõi. Thiền tông và Tịnh độ trái ngược nhau nhưng vẫn có phép tu Thiền Tịnh song tu hòa hợp hai cách thức tu tập này. Thiền lấy tuệ giác làm chủ yếu và Tịnh lấy từ bi tha độ làm chủ yếu. Vừa tự độ vừa tha độ làm cho phép tu hoàn hảo, vừa từ bi vừa tuệ giác là đôi cánh chim đại bàng đạo Phật cất bay xa.Ngày nay Tịnh Độ tu tập đã phát triển cõi thế gian Tịnh độ. Bên cạnh đó vừa tự độ vừa tha độ không còn đơn thuần tha độ cầu vãng sanh cõi tịnh độ Phật A Di Đà rước. Mỗi bước chân thiền hành bắt đầu từ chân trái: nam, chân phải: mô, chân trái: A, chân phải: di, chân trái: đà, chân phải: Phật.Vừa đi vừa gõ tiếng khánh hay mỏ. Chỉ gõ khi chân phải bước mà thôi. Nam Mô A Di Đà Phật!!.
Phổ Tấn
source https://www.niemphat.vn/tinh-do-va-coi-tinh
Nhận xét
Đăng nhận xét