Thân giáo của Hòa thượng Tịnh Không

Thân giáo của Hòa thượng Tịnh Không (theo lời kể của Pháp Sư Ngộ Hạnh)

Thân giáo là một trong ba phương thức giáo dục Phật giáo: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Bởi dù người dạy có ý tưởng hay, lời nói đẹp mà thân hành không trang nghiêm, lời nói không đi đôi với việc làm thì làm sao tạo ra sức thuyết phục và chuyển hóa hội chúng. Do vậy, thân giáo là chuẩn mực, là quy phạm để chúng ta tự nhìn lại chính mình. Vì thật khó có thể dạy người phải làm như thế này, không nên làm như thế kia, khuyên răn người đừng phạm lỗi lầm v.v…, trong khi chúng ta vẫn còn nhiều lầm lỗi. Nếu thân mà không nghiêm, việc làm không chánh trực thì chắc chắn dù nói lời hay, ý tưởng đẹp đều không có giá trị giáo dục, chuyển hóa người khác. Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Trước hết tự đặt mình

Vào những gì thích đáng

Sau mới giáo hóa người

Người trí khỏi bị nhiễm”

(PC-158)

…Sau khi trở về Sư phụ ngài gọi tôi đến, lấy ảnh chụp bệnh viện đưa cho tôi xem, bệnh viện tên là “Bệnh viện Tịnh Không”. Sư phụ nói: “Không được, không được, sao có thể dùng tên người làm tên bệnh viện được?” Ngài bảo thế không được, Ngài muốn đổi lại, và đề nghị đổi tên thành “Bệnh viện Tam Bảo”. Sau này nếu có cơ hội đến Thái Lan thì có thể nhìn thấy bệnh viện đó sau cùng đã có tên là “Bệnh viện Tam Bảo”, không phải là “Bệnh viện Tịnh Không”.

Sau khi quyên tiền đóng góp xong Sư phụ không hề quan tâm đến việc này nữa, chỉ đến khi có người đến báo về lễ khánh thành thì Ngài mới đến dự, còn trong suốt quá trình đó Ngài một chút cũng không để ý đến, không hề hỏi han, đều không có, ngay cả tên tuổi Ngài cũng chẳng cần. Thế nên tôi nói, những việc làm này của Sư phụ đáng để chúng ta học tập, Ngài không dính mắc hình tướng…

1. Tôi nhớ đến một việc, sự việc đó xảy ra khi chúng tôi theo Sư phụ hoằng pháp ở Singapore. Lúc đó chúng tôi và Sư phụ ở Cư Sĩ Lâm, phòng của chúng tôi ở bên cạnh phòng Sư phụ, nhưng căn phòng mà Sư phụ ở, khi Ngài bước ra khỏi phòng thì nhất định phải đi ngang qua phòng chúng tôi. Có một lần, khi đó tôi thường mang theo máy niệm Phật bên người, tôi cảm thấy nếu muốn Phật hiệu không gián đoạn thì máy niệm Phật cũng không được gián đoạn, cho nên tôi đem theo máy niệm Phật bên người để mọi thời đều nghe [Phật hiệu]. Công phu vẫn chưa đạt đến mức trong tâm không gián đoạn nên trước hết dùng máy niệm Phật để nhắc nhở chính mình. Kết quả tôi quên mất, lúc vào nhà vệ sinh không tắt máy niệm Phật, mà cứ thế bước vào, sau đó đi vệ sinh bên trong mà Phật hiệu vẫn còn đang phát. Kết quả, đúng lúc Sư phụ bước ra khỏi phòng, nghe thấy vì sao có tiếng Phật hiệu của máy niệm Phật phát ra từ nhà vệ sinh. Ngài không nói gì cả, Sư phụ cũng không gọi tôi, Ngài cũng không kêu tôi, không hề, mà Ngài đứng ở bên ngoài đợi. Đợi một lúc, Ngài thấy tôi bước ra, sau khi tôi bước ra Sư phụ cũng không mắng tôi. Ngài chẳng nói với tôi câu nào, mà Ngài kể cho tôi một câu chuyện. Sư phụ kể tôi nghe câu chuyện gì vậy? Ngài nói trước đây, khi Ngài chưa xuất gia, lúc còn đi làm, Ngài ngồi làm việc ở cạnh phòng làm việc của cựu Tổng Thống, Ngài phụ trách quản lý nhân sự. Ngài nói mỗi lần nhìn thấy rất nhiều quan chức lớn, hoặc là tướng quân, lúc đi đường đều nghênh nganh khệnh khạng, oai phong lẫm liệt không ai bì nổi, thế nhưng chỉ cần họ đi ngang qua phòng làm việc của Sư phụ để gặp cựu Tổng Thống thì họ đi đứng rất là nhẹ nhàng, không hề phát ra âm thanh, thái độ rất cung kính. Sư phụ kể câu chuyện này, ý muốn nói là chúng ta ngày nay muốn học Phật, muốn học được thành công thật sự thì phải giống như tướng quân đi gặp Tổng Thống vậy, phải cung kính như thế. Nếu cung kính với Phật như cung kính với Tổng Thống thì học Phật nhất định sẽ thành công. Ý Ngài muốn nói là tôi sau này không được mở máy niệm Phật trong nhà vệ sinh nữa, mà phải có tâm cung kính. Đây là Sư phụ dạy bảo chúng tôi, mặc dù Ngài không nghiêm khắc la mắng, nhưng chỉ cần Ngài gợi ý chút thôi là tôi cả đời đều không quên. Cho nên câu chuyện này tôi ghi nhớ mãi, sẽ không bao giờ quên. Có lẽ Sư phụ có những cách thức dạy dỗ khác nhau, có thể mắng để cho bạn nhớ, nhưng có khi gợi ý thoáng qua cũng làm cho bạn nhớ rồi, mà lại nhớ chắc thật hơn, cảm động hơn. Đây là sự việc mà tôi đã từng trải qua.

2. Còn một việc nữa, trước đây chúng tôi ở thư viện Hoa Tạng, khi đó chúng tôi có một vị huynh đệ, vị huynh đệ này tuổi tác rất lớn, hình như vị ấy xuất thân là lính, cho nên vị ấy có một số tập khí là làm việc gì cũng khá thô lỗ. Kết quả có một lần khi đi đổ rác, vị ấy ấy không cúi xuống cầm thùng rác mà lại dùng chân đá thùng rác tới lui giống như đá trái bóng vậy, đá thùng lăn ra bên ngoài chỗ đổ rác. Kết quả Sư phụ nhìn thấy như vậy, Ngài lập tức, động tác của Ngài rất nhanh, lập tức chạy đến cầm lấy thùng rác của vị đó lên rồi nói: “Để tôi giúp anh đổ rác!”. Cho nên bạn nghĩ xem, sư phụ muốn giúp bạn đổ rác, vậy bạn sẽ nghĩ như thế nào? Kết quả, vị đó liền nhanh chóng quỳ xuống: “Dạ không được!”. Sư phụ muốn giúp vị đó đổ rác, cho nên hành động này là gì? Là sư phụ đang dạy bạn. Ngài cũng không mắng bạn, mà Ngài nói: “Để tôi giúp anh đổ rác”. Cho nên, từ rất nhiều việc nhỏ nhặt chúng ta thường gặp trong cuộc sống, chúng ta cần phải tu học “lễ kính chư Phật” như thế nào. Bạn thấy đó, Sư phụ không cần nói đạo lý nhiều với bạn bởi vì Ngài đã giảng rất nhiều rồi, Ngài giảng rất nhiều mà chúng ta không làm được, vậy chúng ta cần phải quán sát thân hành của Ngài, Ngài dùng hành động của bản thân biểu diễn cho chúng ta xem. Kỳ thực tôi thấy Sư phụ của chúng ta đang thực sự độ chúng sanh, có nhiều lúc điều Ngài làm ra đã khiến rất nhiều người nhìn thấy đều cảm động, lúc đó học Phật mới là chân thật nhất đấy!

3. Còn nhớ một lần chúng tôi tháp tùng Sư phụ, đầu tháng Sáu theo đoàn bảy tôn giáo lớn của Malaysia đến tham quan Rome (La-mã). Ở Rome, mọi người đều biết, Sư phụ đã ngồi máy bay hơn hai mươi tiếng, bay từ Malaysia đến Bangkok, sau đó mới đến thành Vatican ở Rome để gặp Giáo Hoàng. Kết quả, sau khi xuống máy bay là hơn sáu giờ sáng, đồng tu Malaysia chúng ta đều rất rõ, mới hơn sáu giờ sáng, sau khi xuống máy bay đều không ăn sáng, ngay cả bữa sáng cũng không ăn được chứ đừng nói về khách sạn nghỉ ngơi, phải lập tức đến thành Vatican. Ở thành Vatican chúng tôi tham quan trao đổi, đến hơn ba giờ chiều mới vào tiệm ăn, cũng không biết gọi đó là cơm gì, là cơm tối hay là cơm trưa nữa. Tóm lại giữa khoảng thời gian đó chúng tôi không hề nghỉ ngơi, không hề ăn cơm, đến hơn ba giờ chiều mới được ăn cơm. Trong thời gian đó, trong quá trình tham quan Sư phụ vẫn ung dung tự tại, không hề mệt mỏi, cũng chẳng hề than đói bụng. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều lãnh tụ tôn giáo còn trẻ hơn Sư phụ, năm đó Sư phụ 84 tuổi, có vị nào lớn tuổi hơn Ngài không? Không có! Họ đều rất trẻ, kết quả mỗi một người họ đều mệt mỏi rã rời, vừa đói vừa mệt. Thế nên lúc đó mới thấy được Sư phụ của chúng ta công phu ở đâu? Chính là ở những việc này. Vì vậy tôi nhìn thấy họ chân thật kính phục Sư phụ từ tận đáy lòng, cảm thấy Sư phụ là người thật sự tu hành. Vừa rồi Sư phụ nói với chúng tôi, lương thực khá ít ỏi thì Ngài ăn một bữa, hiện nay ổn rồi thì ăn hai bữa. Kỳ thực, đây là một sự huấn luyện, cũng là một sự rèn luyện trong tu hành. Bạn xem chúng ta thật sự đến lúc đó đã có sự thể hiện không giống như sư phụ. Vì vậy tôi nhìn thấy những vị lãnh tụ tôn giáo đó đối với Sư phụ thật sự là kính phục Sư phụ từ tận đáy lòng. Hiện nay khi Sư phụ giao lưu với các nhân sĩ tôn giáo này, tôi cảm thấy sự thể hiện của Sư phụ, trong từng hành động lời nói của Ngài có thể khiến cho chúng ta thật sự cảm nhận được tâm lượng từ bi và tùy duyên của Sư phụ. Cho nên, đây chính là chỗ mà chúng ta cần phải học tập, đó chính là học tập từ những điều nhỏ nhặt thường ngày trong cuộc sống.

Xem thêm: Cuộc đời hòa thượng Tịnh Không

Nam Mô A Di Đà Phật!

 Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

 Diễn đọc: Phật tử Thiện Quang

5/5 - (1 bình chọn)


source https://www.niemphat.vn/than-giao-cua-hoa-thuong-tinh-khong

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sự lợi ích và phước báu của sự thành thật

Phật giáo không mang tính áp đặt và đe dọa